Nga có thể vỡ nợ sau các lệnh trừng phạt chưa từng có vì họ xâm lược Ukraine, nhưng điều đó sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu -- Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva nói hôm Chủ nhật 13/3.
Bà Georgieva nói với chương trình "Face the Nation" của CBS rằng các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác áp đặt đã gây tác động "nghiêm trọng" lên nền kinh tế Nga và sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái sâu trong năm nay.
Chiến tranh và các lệnh trừng phạt cũng sẽ có tác động lan tỏa đáng kể đến các nước láng giềng phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, và đã gây ra làn sóng tị nạn như trong Thế chiến thứ hai, bà nói.
Nga gọi các hành động của mình ở Ukraine là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Các biện pháp trừng phạt cũng hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn lực của Nga và khả năng xử lý các khoản nợ -- điều này có nghĩa là Nga vỡ nợ không còn được coi là "không thể xảy ra nữa", bà Georgieva nói.
Khi được hỏi liệu Nga vỡ nợ như vậy có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn thế giới hay không, bà nói, "Hiện tại, không."
Bà nói: Tổng mức tiếp xúc của các ngân hàng đối với Nga lên tới khoảng 120 tỷ USD, một số tiền mặc dù không phải là không đáng kể nhưng "không làm rúng động cả hệ thống".
Khi được hỏi liệu Nga có thể tiếp cận khoản tài trợ khẩn cấp 1,4 tỷ USD của IMF đã phê duyệt cho Ukraine vào tuần trước hay không nếu Moscow chiếm Ukraine và thành lập chính phủ mới, bà Georgieva cho biết số tiền này nằm trong một tài khoản đặc biệt mà chỉ chính phủ Ukraine mới có thể truy cập.
Một quan chức IMF nói rằng chính phủ Ukraine được đề cập ở đây là "chính phủ được quốc tế công nhận của Ukraine."
IMF năm ngoái đã chặn Taliban truy cập vào các quỹ của Afghanistan sau khi họ nắm quyền kiểm soát chính phủ, với lý do thiếu rõ ràng về việc cộng đồng quốc tế công nhận chính phủ Taliban.
(Reuters)