Chính phủ Thụy Sĩ ngày thứ Sáu mở rộng các chế tài nhắm vào Nga, đồng hành cùng Liên minh Châu Âu áp đặt thêm các biện pháp nữa bao gồm thắt chặt xuất khẩu và dịch vụ tài chính sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Đột ngột gạt qua lập trường trung lập truyền thống của mình, Thụy Sĩ ngày thứ Hai thông qua các chế tài mà Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt lên một số công dân và công ty Nga, đồng thời phong tỏa tài sản của họ để trừng phạt việc Moscow xâm lược Ukraine, là cuộc tấn công lớn nhất ở Châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.
Khối EU 27 thành viên đã thông qua một loạt các lệnh cấm về tài chính, năng lượng, xuất khẩu và du hành kể từ tuần trước.
Những lệnh cấm này bao gồm phong tỏa tài sản của ngân hàng trung ương Nga, đóng không phận EU đối với Nga, gạt một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và các chế tài nhắm vào một loạt các tài phiệt Nga.
Ngày thứ Sáu, Thụy Sĩ thông qua các biện pháp tài chính mới - bao gồm cấm giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga và áp dụng các biện pháp SWIFT của EU - đồng thời chặn một số mặt hàng xuất khẩu sang Nga.
Những hàng hóa bị nhắm mục tiêu "có thể đóng góp cho quân đội hoặc cho sự phát triển công nghệ hay quốc phòng và an ninh của Nga," để sử dụng trong ngành hàng không và vũ trụ, cũng như một số hàng hóa và dịch vụ trong lĩnh vực dầu mỏ.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc ở Genève, Gennady Gatilov, nói quyết định của Bern sẽ có "tác động tiêu cực nhất định" mà không nêu thêm chi tiết.
“Chúng tôi thất vọng về điều này vì chúng tôi từng có quan hệ chính trị rất tốt với Thụy Sĩ,” ông nói với các nhà báo. “Thụy Sĩ giữ thái độ trung lập ngay cả trong những thời điểm còn tệ hơn nữa nếu bạn nhìn lại lịch sử."
Chính phủ cũng xúc tiến để có thể nhanh chóng tiếp nhận những người Ukraine đã lánh khỏi đất nước vì chiến tranh, kích hoạt tư cách bảo vệ đặc biệt cho phép họ có được quyền cư trú tại Thụy Sĩ mà không cần phải làm thủ tục tị nạn thông thường.
Thụy Sĩ nói việc thực thi các chế tài mới vẫn tương thích với sự trung lập của nước này, đồng thời cho biết họ đã cung cấp những ngoại lệ để bảo đảm các chế tài không cản trở các hoạt động nhân đạo.
"Hội đồng Liên bang tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến," nội các cho biết. "Hội đồng sẽ tự quyết định về việc có áp dụng thêm bất cứ chế tài nào của EU đối với Nga hay không."
Các quan chức cho biết EU đang chuẩn bị các bước tiếp theo có thể bao gồm việc nhắm mục tiêu vào các tài sản tiền điện tử.
Giá khí đốt của Châu Âu đã tăng trong bối cảnh chế tài đang được áp dụng và do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung đối với khí đốt thiên nhiên, 40% trong số đó được cung cấp bởi Nga.
Thụy Sĩ ngày thứ Sáu nói nguồn cung năng lượng của họ đã được bảo đảm cho mùa đông năm nay nhưng họ đang làm việc để thiết lập một kế hoạch mới cho ngành công nghiệp khí đốt của Thụy Sĩ.