Đường dẫn truy cập

Hải tặc lại gia tăng hoạt động ở Đông Nam Á


Tàu chở dầu Singapore Naniwa Maru 1 neo đậu tại cảng Klang ở Malaysia sau khi bị hải tặc tấn công và cướp dầu ở Eo biển Malacca, ngày 23/4/2014.
Tàu chở dầu Singapore Naniwa Maru 1 neo đậu tại cảng Klang ở Malaysia sau khi bị hải tặc tấn công và cướp dầu ở Eo biển Malacca, ngày 23/4/2014.

Sau một sự sụt giảm đều trong những vụ cướp biển vào mấy năm qua, các vụ tấn công ngoài khơi của hải tặc lại tăng 10% trong quý đầu năm nay, so với cùng kỳ năm 2014, theo Cục Hàng hải Quốc tế IMB.

Từ trung tâm báo cáo về cướp biển của IMB tại Kuala Lumpur, giám đốc cơ quan là ông Pottengal Mukundan, nói với đài VOA rằng, “Đây là một xu hướng đáng lo ngại bởi vì nếu không có hành động kiên quyết thì chúng ta trông đợi bạo lực sẽ gia tăng và bọn cướp biển sẽ trở nên táo bạo hơn về loại mục tiêu mà chúng nhắm vào.”

Vùng hải phận nguy hiểm nhất là ở Đông Nam Á, nơi chiếm hơn phân nửa các vụ tấn công kể từ đầu năm 2015, với một chiếc tàu chở dầu nhỏ đi dọc theo bờ biển bị hải tặc có vũ trang cướp trong khu vực ở mức trung bình là hai tuần một lần.

Ông Mukundan nói: “Những chiếc tàu này rất dễ bị nhắm làm mục tiêu bởi vì chúng chạy rất chậm và nằm rất sâu trong nước. Bọn cướp biểu đến gần tàu bằng những thuyền nhỏ chạy rất nhanh. Chúng chiếm tàu và rồi tuồn hết hay ăn cắp một phần hàng trên tàu, thường là dầu khí, dầu diesel, là loại sản phẩm có thể tiêu thụ rất nhanh ở địa phương.

Quốc gia với số các vụ tấn công cao nhất tính đến giờ này trong năm nay là Indonesia, với gần 40% tổng số các vụ.

Đại đa số những vụ này được tiến hành bởi “những tay trộm thời cơ, mặc dầu những kẻ tấn công ở đây thường vũ trang bằng dao, mã tấu hay súng,” theo báo cáo của IMB.

Với 8 vụ cướp đã được báo cáo trong 3 tháng qua, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng trong những vụ cướp có vũ trang, với những chiếc tàu bị đột nhập trong khi thả neo ở Hải Phòng và Vũng Tàu và những vùng gần đấy.

Một sự tiến bộ đáng kể đã được thấy ở ngoài khơi Somalia nơi không có vụ nào được báo cáo trong năm nay.

Vụ cướp được báo cáo lần chót ở vùng nước này là vào tháng 5 năm 2012.

Một tên cướp biển Somalia bịt mặt đứng gần một tàu đánh cá Đài Loan tại Hobyo, Somalia. (Ảnh tư liệu)
Một tên cướp biển Somalia bịt mặt đứng gần một tàu đánh cá Đài Loan tại Hobyo, Somalia. (Ảnh tư liệu)

Sự kiện giảm bớt những vụ tấn công hải tặc này được cho là nhờ Somalia một lần nữa có một chính phủ hoạt động hữu hiệu, một đội tuần duyên đa quốc chống lại những tàu mẹ cướp biển, và những tàu bị nhắm làm mục tiêu tiến hành các biện pháp chống hải tặc, trong đó có những nhân viên bảo vệ có vũ trang.

Nhưng ông Mukundan của IMB cảnh báo rằng tình hình sẽ rất dễ trở lại thời kỳ xấu trước đây.

“Chỉ cần một vụ cướp thành công và bỗng nhiên lại có những người muốn tiến hành các hoạt động tội phạm này trở lại. Vì thế chúng ta phải cảnh giác, tầu bè phải đề cao cảnh giác và chúng ta cần có sự hiện diện của hải quân.”

Tây Phi tiếp tục là một điểm nóng của những vụ hải tặc bạo lực với 1 người bị giết trong năm nay trong vụ cướp một chiếc tàu đánh cá ngoài khơi Ghana. 5 thành viên trong thủy thủ đoàn đã bị hải tặc Nigeria bắt cóc trong 2 vụ riêng rẽ ngoài một vụ cướp chiếc tầu nhỏ chở dầu được báo cáo cũng bị hải tặc tấn công.

IMB là một chi nhánh của Phòng Thương mại Quốc tế, đã theo dõi hoạt động của hải tặc ngoài khơi từ năm 1991.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG