Với việc Nga và Trung Quốc ngày càng liên kết chặt chẽ, các nhà hoạch định chính sách và phân tích phương Tây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về ảnh hưởng của hai nước này ở Tây Balkan. Khi sự tập trung đang đổ dồn vào các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine, họ cảnh báo chớ nên lơ là Tây Balkan.
Dân biểu Hoa Kỳ Pete Sessions nói với đài VOA hôm 31/1 rằng Nga đã góp phần “gây bất ổn cho vùng Balkan trong nhiều năm” và rằng Nga đã chứng tỏ rằng họ sử dụng thông tin xuyên tạc và sử dụng vũ lực quân sự để hoàn thành các mục tiêu của mình.
Ông nói: “Gây bất ổn ở Balkan là điều mà mỗi quốc gia ở đó đều nhìn thấy”, “Và họ thấy những điều này không chỉ xảy ra mà còn xem liệu đó có phải là một nỗ lực có chủ ý nhằm phá hoại các quốc gia này hay không.”
Ông Sessions cho biết Hoa Kỳ cần đứng đằng sau các quốc gia này và “làm việc trong khuôn khổ các giới hạn đã được thiết lập của EU, NATO và các tổ chức khác. ... Hoa Kỳ cần phải đứng đầu và trung tâm để nói, ‘Chúng tôi ủng hộ điều này và chúng tôi sẽ tiếp tục gắn bó với nhau.’ Đó là những gì các quốc gia này cần. Hoa Kỳ luôn đứng vững cùng họ với tư cách cá nhân và tập thể.”
‘Một phần chiến lược của ông Putin’
Ông Edward P. Joseph, một nhà phân tích về Balkan tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins, đồng ý.
Ông nói với đài VOA hôm 31/1: “Các nước vùng Balkan là một phần trong chiến lược của ông Putin. Ông ấy muốn chia cắt châu Âu khỏi Hoa Kỳ, và ông ấy muốn chia rẽ châu Âu trong nội bộ của chính họ. Và các nước Balkan là con đường chính để ông ấy thực hiện điều đó”.
Ông Sessions và ông Joseph tuần này tham dự một diễn đàn an ninh hàng năm tại Quốc hội tập trung vào vấn đề này.
Các nhà phân tích cho rằng Moscow sử dụng sự can thiệp chính trị và thông tin xuyên tạc mà họ triển khai thông qua mối quan hệ chặt chẽ trong lịch sử với Serbia và các quốc gia thân thiện khác trong khu vực.
Ông Joseph nói: “Nga đang tích cực thực hiện các hoạt động ở Balkan với chi phí rất thấp.” Ông lấy ví dụ về việc Serbia là trụ sở của các cơ quan truyền thông Nga Russia Today và Sputnik.
Ông nói: “Đây là những nền tảng đang đưa ra những câu chuyện thân Nga trong khu vực”. “Và đó chỉ là một trong những cách mà Serbia tác động tiêu cực đến việc thúc đẩy chương trình nghị sự của Nga.”
Tập trung vào hội nhập
Trong diễn đàn an ninh, ông Naz Durakoglu, phụ tá ngoại trưởng về các vấn đề lập pháp, nói Mỹ rất lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga trong khu vực và đang nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau để củng cố nền dân chủ ở các quốc gia đó. Chúng bao gồm viện trợ nước ngoài, tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng và thúc đẩy cải cách “để giúp các nước Tây Balkan hội nhập vào EU và với nhau.”
Albania là thành viên NATO và hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Fatmir Mediu là một trong những người tổ chức diễn đàn an ninh.
Ông nói với đài VOA: “Cách mà các lực lượng như Nga và Trung Quốc hành động là trước tiên họ cố gắng khơi dậy những xung đột mới”. “Thứ hai là tạo ra một loại nguyên trạng liên quan đến một số tình huống nhất định và các vấn đề chưa được giải quyết nhằm ngăn cản tư cách thành viên Liên hiệp châu Âu và NATO, đồng thời mở rộng ảnh hưởng địa kinh tế và địa chính trị của họ.”
Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Ông Durakoglu nói rằng trong khi Nga phát huy ảnh hưởng của mình thông qua khí đốt và thông tin xuyên tạc, thì Trung Quốc lại tăng cường lợi ích chủ yếu thông qua đầu tư kinh tế và cơ sở hạ tầng.
Bà Valbona Zeneli, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, đã viết rất nhiều về ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ở Tây Balkan.
“Tây Balkan đã chứng kiến sự mở rộng đáng kể ảnh hưởng của Trung Quốc trong thập niên qua, phù hợp với tầm nhìn địa kinh tế và ngoại giao của Bắc Kinh về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), cũng như trong bối cảnh chiến lược rộng lớn hơn của quan hệ Trung Quốc-EU,” bà viết trong bài nghiên cứu gần đây. Bà cũng đang viết một cuốn sách về chủ đề này.
“Vị trí địa chiến lược của Tây Balkan là đầu cầu hoàn hảo cho các thị trường EU và là hành lang trung chuyển quan trọng cho BRI của Trung Quốc. Lợi ích của Trung Quốc trong khu vực liên quan chặt chẽ đến các dự án cơ sở hạ tầng và cơ hội tư nhân hóa, nơi nhu cầu cho vay ưu đãi cao và giá mua lại thấp”, bà nói.
‘Chúng tôi nắm giữ quân bài’
Khi Nga và Trung Quốc có quan điểm đối lập với phương Tây, các chuyên gia cho rằng họ muốn chuyển sự chú ý khỏi các cuộc xung đột lớn trên thế giới, như Ukraine, Trung Đông và thái độ ngày càng thù địch của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đối với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Albania, rõ ràng là “có động thái của Nga, cũng như của Trung Quốc, có thể cả của Iran nhằm tạo ra các vấn đề ở khu vực Balkan, có được một điểm xung đột khác và chuyển sự chú ý khỏi Ukraine”.
Để chống lại ảnh hưởng này, Mỹ đang hỗ trợ các đồng minh trong khu vực. Ngũ Giác Đài đã xác nhận sự chấp thuận vào tháng trước khả năng Mỹ bán phi đạn chống tăng Javelin cho Kosovo trị giá khoảng 75 triệu đô la.
Ngũ Giác Đài nói: “Thương vụ được đề nghị này sẽ hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ bằng cách cải thiện an ninh của đối tác châu Âu, một lực lượng quan trọng cho sự ổn định chính trị và kinh tế ở châu Âu”.
Ngũ Giác Đài nói thêm rằng việc mua bán “sẽ cải thiện khả năng phòng thủ lâu dài của Kosovo để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nhằm đáp ứng các yêu cầu quốc phòng của nước này.”
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic bày tỏ “sự thất vọng sâu sắc” trước quyết định này. Nga cũng “lên án mạnh mẽ” kế hoạch này.
Việc mua bán được đề nghị diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Kosovo và Serbia mà EU đang tìm cách giải quyết. Khi tiếp tục bác bỏ nền độc lập của tỉnh cũ, Serbia đã nhận được sự ủng hộ vững chắc của Nga và Trung Quốc.
Với tất cả những lo ngại về sự thâm nhập của Nga và Trung Quốc trong khu vực, ông Joseph của Đại học Johns Hopkins cho biết tin tốt là phương Tây đang nắm giữ quân bài.
Ông nói: “Điều này không giống Ukraine. Nga ở quá xa để có thể điều động lực lượng trên bộ. Các thành viên NATO bao quanh vùng Balkan. Tất cả các quốc gia trong khu vực ngoại trừ Serbia đều muốn gia nhập NATO. Và một số đã là thành viên của NATO”.
Ông nói, Liên hiệp Châu Âu “cho đến nay vẫn là đối tác thương mại chính. Vì vậy, chúng ta nắm giữ các quân bài. Chúng ta phải sử dụng chúng một cách chính xác”.
Diễn đàn