Nhiều con đường dẫn người ta đến sự cực đoan hóa Hồi giáo. Dù những yếu tố góp phần cực đoan hóa có thể khác biệt ở từng quốc gia và từng cá nhân, có thể nhận thấy một số điểm tương đồng ở những nước ở phía tây bán đảo Balkans thuộc Châu Âu, như Albania, Bosnia, Kosovo và Macedonia. Từ những định chế dễ bị khuynh loát và sự thiếu thốn cơ hội cho tới tiền bạc và ảnh hưởng từ bên ngoài. Thông tín viên Keida Kostreci của VOA tìm hiểu những nguyên nhân cơ bản của sự cực đoan trong vùng này.
Châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những vụ tấn công của những kẻ cực đoan Hồi giáo ở Pháp và Bỉ, nhưng cũng có mối lo ngại về những quốc gia ở Tây Balkans.
Ông Adrian Shtuni đã viết về hiện tượng cực đoan hóa ở Tây Balkans và nói rằng số lượng lớn chiến binh từ khu vực đó đổ tới Syria và Iraq là điều đáng lo ngại.
Ông Shtuni nói: "Có rất nhiều người đi tới đó hoặc đang bị cực đoan hóa bởi những người đồng trang lứa. Họ đang bị cực đoan hóa bởi bạn bè của họ, anh chị em của họ, vân vân."
Kể từ năm 2011, khoảng 1.000 chiến binh từ Tây Balkans đã gia nhập những nhóm chủ chiến Hồi giáo.
Sự cực đoan hóa cũng có thể xuất phát từ việc không chú trọng vào phát triển kinh tế và xã hội, theo lời ông Thomas Melia, Trợ lý Quản trị viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho Châu Âu và vùng Âu Á.
Và đối với một số cộng đồng, ông nhắc tới một yếu tố khác: "Một số ảnh hưởng quốc tế đã đẩy người ta vào con đường lầm lạc, làm cho họ bị cực đoan hoá và đẩy họ đến những quan điểm cực đoan hơn về Hồi giáo. Chúng ta đã thấy điều đó ở một số nước, ở Albania và Kosovo nói riêng, và ở một số nơi của Bosnia."
Báo The New York Times gần đây đưa tin rằng tiền bạc và ảnh hưởng từ Ả-rập Saudi tại Kosovo đã biến một xã hội Hồi giáo từng mang tính bao dung thành "một vùng trũng của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và một đường ống dẫn cho những chiến binh thánh chiến" – theo lời của bài báo – bằng cách truyền bá giáo phái Wahhabi, một nhánh Hồi giáo bảo thủ chiếm ưu thế ở Ả-rập Saudi.
Kosovo và những nước khác đã phát động những chương trình nhằm chống lại làn sóng Hồi giáo cực đoan, nhưng ông Shtuni nói rằng những xã hội mong manh của khu vực này vẫn còn dễ bị ảnh hưởng.
Ông Shtuni cho biết: "Hãy nhìn thẳng vào vấn đề. Ở Tây Balkans những điều kiện nói chung, kinh tế xã hội hay chính trị, không phải là lý tưởng. Cho nên, đúng thế, chúng tạo nên một môi trường thuận lợi cho sự cực đoan hóa."
Ông Melia của cơ quan USAID nói rằng những nỗ lực để thay đổi môi trường đó nên bao gồm phát triển kinh tế, gia tăng cơ hội cho người dân và làm cho người dân tin rằng chính phủ không tham nhũng và muốn cho toàn thể xã hội được tiến bộ.
Ông Melia nói: "Việc đó phù hợp với chương trình phát triển lớn hơn của chúng tôi, và nó cũng ngày càng quan trọng vào lúc này."
Vấn đề này đã trở nên phức tạp vì cuộc khủng hoảng di dân ở Châu Âu. Tuyến đường qua vùng Balkan là một trong những ngả đường chính tới Tây Âu. Liên minh Châu Âu, bị quá tải bởi làn sóng người chạy lánh chiến tranh, hiện có ít nguồn lực để đối phó với những vấn đề khác của vùng Balkans.