Đường dẫn truy cập

Tòa án EU: Di dân nước ngoài không thể bị bỏ tù vì nhập cảnh trái phép


Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans phát biểu trong một cuộc tranh luận về di cư tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngày 7 tháng 6 năm 2016.
Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans phát biểu trong một cuộc tranh luận về di cư tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngày 7 tháng 6 năm 2016.

Tòa án Công lý Châu Âu đã phán quyết rằng những nước Liên minh châu Âu không thể bỏ tù những người nhập cư trái phép chỉ vì họ vượt qua biên giới bên trong khu vực miễn hộ chiếu gồm 26 quốc gia của châu lục này, được gọi là khu vực Schengen.

Trong phán quyết được đưa ra hôm thứ Ba, tòa án ở Luxembourg nói rằng những quy định của EU ngăn chặn những vụ bắt giữ như vậy, trừ phi những di dân không thuộc EU bị tình nghi phạm tội, hoặc đang chịu thủ tục trục xuất. Tòa án cũng phán quyết chống lại những vụ bắt giữ tại biên giới Schengen trong khi di dân đang đi tới những nơi khác trên châu lục này.

Chưa rõ tác động tức thì của phán quyết này sẽ như thế nào.

Giữa lúc Châu Âu đang vật lộn với làn sóng di dân khổng lồ từ Trung Đông và Châu Phi, phán quyết được đưa ra trong vụ kiện của công dân Ghana Selina Affum, người bị cảnh sát Pháp bắt giữ vào năm 2013 tại đường hầm qua eo biển Manche. Người này khi đó đang đi xe buýt từ Bỉ đến Anh, sử dụng hộ chiếu của người khác.

Cảnh sát Pháp buộc tội bà Ghana Selina Affum nhập cảnh Pháp trái phép và sau đó yêu cầu Bỉ nhận lại bà. Luật sư của bà ta thách thức vụ bắt giữ, nói rằng nó vi phạm những quy định và thủ tục của EU cho những nước thành viên EU khi trục xuất những di dân không thuộc EU ở trong lãnh thổ của họ bất hợp pháp.

Đối mặt với hơn 1 triệu di dân không thuộc EU suốt 18 tháng qua, những luật quản lý vùng Schengen miễn hộ chiếu đã chịu sự săm soi quyết liệt từ những chính phủ tìm cách kiềm chế tình trạng di cư.

Một số nước Schengen, bao gồm những quốc gia thuộc vùng Balkans, đã đối phó với cuộc khủng hoảng này bằng cách tái lập những biện pháp kiểm soát biên giới được bãi bỏ hơn một thập kỷ trước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG