Luồng hàng trăm ngàn người tỵ nạn và di dân đổ vào đang trắc nghiệm khả năng đáp ứng của châu Âu – nhất là tại các nước nghèo hơn trong vùng Balkans. Nhưng một số chuyên gia lập luận rằng châu Âu sẽ được hưởng lợi ích qua việc tiếp đón con số khổng lồ người trẻ tuổi – nhiều người có trình độ học thức cao và sẵn sàng làm việc. Từ London, thông tín viên VOA Henry Ridgwell gửi về bài tường thuật.
Hàng trăm ngàn người di trú đã đến châu Âu chỉ trong có vài tháng. Họ gồm từ những người già cả cho đến các em bé sơ sinh. Nhiều người đau ốm và bị thương.
Nhu cầu cấp thiết của họ là rõ ràng: nơi trú thân, thực phẩm và sự chăm sóc y tế.
Croatia đã nhận hàng chục ngàn dân di trú chỉ trong 2 tuần lễ. Tổng thống Kolinda Grabar-Kiratovic đã đưa ra lời kêu gọi toàn cầu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Ông Grabar-Kiratovic nói: "Kể từ giữa tháng 9, với gần 80 ngàn người vào Croatia, nước tôi đã gia nhập hàng ngũ EU và các nước láng giềng Đông nam Âu châu vốn đã mang gánh nặng trong vụ khủng hoảng này".
Liên hiệp châu Âu đã cam kết trợ giúp tài chính cho các nước không thuộc EU trong vùng Balkans. Vì các lý do địa chính trị, Eu phải làm nhiều hơn để giúp Serbia, theo ông James Ker-Lindsay thuộc trường Kinh tế London.
Ông James Ker-Lindsa cho biết: “Điều gì sẽ xảy ra nếu họ phải đối phó với vấn đề này. Và thực ra chúng ta đa bắt đầu nhìn thấy một số nước nghi ngờ Âu châu theo chủ trương đó. Thật vậy, nổi bật là Đại sứ Nga ở Belgrade đã bắt đầu rêu rao, “Coi kìa, EU sẽ bàn đứng quý vị, hãy nhìn xem những gì sẽ xảy ra, quý vị sẽ bị bỏ mặc với gánh nặng khủng hoảng người tỵ nạn này".
Đức trông đợi sẽ có tới 1 triệu người xin tỵ nạn riêng trong năm nay. Phí tổn trước mắt về gia cư, giáo dục và chăm sóc xã hội rất đáng kể - nhưng nó có thể kích thích nền kinh tế, theo lập luận của ông Christina Odendahl thuộc Trung tâm Cải cách Âu châu.
Ong Christina Odendahl nói: “Cuộc khủng hoảng người tỵ nạn về ngắn hạn có thể sẽ có lợi cho châu Âu, bởi vì người Âu châu phải nới lỏng thói quen tài chính một chút, mà có lẽ sẽ giúp ích cho nền kinh tế trong đoản hạn".
Ông Odendahl nói nhiều nước Âu châu, trong đó có Đức, Italia và Pháp, phải đối mặt với các khối dân già nua, suy giảm dần.
Ông Odendahl cho biết thêm: “Về lâu về dài, vụ khủng hoảng người tỵ nạn dĩ nhiên sẽ đề ra một thách thức, nhưng nó cũng có tiềm năng giúp ích cho châu Âu – hay những phần của châu Âu – giải quyết các vấn đề dân số. Nó tùy thuộc vào mức độ người Âu châu có khả năng hòa nhập di dân, nhất là vào các thị trường lao động".
Các nhà phân tích nói hòa nhập di dân vẫn là một thách thức to lớn – nhưng cũng là một cơ hội để hồi sinh các nền kinh tế của châu Âu.