Đường dẫn truy cập

Tổng thư ký LHQ kêu gọi giải quyết vụ khủng hoảng người tị nạn


Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon phát biểu bên lề cuộc họp của Đại hội đồng LHQ hôm 26/9.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon phát biểu bên lề cuộc họp của Đại hội đồng LHQ hôm 26/9.

Hy Lạp đã dùng một địa điểm tranh tài Olympic không còn sử dụng để làm nơi tạm trú cho 400 người di dân đã cắm lều ở Quảng trường Victoria ở Athens.

Quyết định này được loan báo hôm nay, một ngày sau khi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tìm cách giải quyết vụ khủng hoảng người tị nạn ở Âu Châu với “sáng tạo, trắc ẩn và dũng cảm.”

Nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc cho rằng việc đạt được đồng thuận về cách giải quyết vụ khủng hoảng di dân đã gặp khó khăn vì những quan điểm trái ngược nhau về vấn đề nên dành những quyền nào cho những người đang tìm cách để được tái định cư ở Âu Châu.

Ông nói: "Một vấn đề xảy ra quá nhiều lần là những hành vi bóp méo sự thật và thành kiến đã tạo thành cơ sở của những cuộc tranh luận về di dân và tị nạn. Tương lai không thuộc về những người tìm cách xây dựng những bức tường hay khai thác những sự sợ hãi".

Di dân ngồi chờ để vượt qua biên giới từ Serbia vào Croatia tại làng Strosinci.
Di dân ngồi chờ để vượt qua biên giới từ Serbia vào Croatia tại làng Strosinci.

7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới, cùng với các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư, đã cam kết 1,8 tỉ đô la cho các cơ quan cứu trợ của Liên Hiệp Quốc đang giúp đỡ cho người tị nạn.

Nhật Bản loan báo sẽ đóng góp 810 triệu đô la. Nhưng Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói rằng cộng đồng quốc tế có thể làm nhiều hơn nữa.

Ông nói: "Tất cả mọi người chúng ta trong cộng đồng quốc tế có một trách nhiệm chung đối với hàng triệu người tị nạn ngày hôm nay. Và để chu toàn trách nhiệm này, chúng ta cần phải làm nhiều hơn những gì chúng ta đang làm. Trước hết, Liên Hiệp Quốc, các cơ quan cứu trợ, cung cấp những sự trợ giúp cấp bách nhất, nhưng họ bị thiếu hụt ngân quỹ một cách nguy hiểm. Nước Đức mới đây đã cam kết góp thêm 100 triệu euro".

Một số nước Âu Châu lúc đầu mở cửa biên giới cho người di dân giờ đây đã đóng cửa biên giới hoặc áp dụng lại những luật lệ về visa và kiểm tra những người xin tị nạn.

Hungary đã dựng hàng rào kẽm gai dọc theo biên giới giáp với Serbia.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban giải thích như sau về quyết định này: "Tại các biên giới của Hungary, họ kéo tới từ Syria, Iraq, Pakistan, Afghanistan và mới đây nhất là từ khu vực phía nam sa mạc Sahara. Tôi xin được trình bày một cách hết sức rõ ràng là Âu Châu sẽ không thể tự mình gánh nổi gánh nặng này. Nếu xu thế hiện nay không thay đổi, Âu Châu sẽ bị bất ổn".

Các đại biểu tham dự hội nghị của Liên đoàn Nghiệp đoàn Âu Châu tại Paris đã lên án những chính phủ không chịu hợp tác đầy đủ trong việc tái định cư người tị nạn. Các đại biểu nói rằng cần phải nghiêm cấm điều họ gọi là “tạo chướng ngại và bế quan toả cảng.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG