VOA: Cuộc sống của bà hiện ra sao, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Nga: Nói chung, cuộc sống của gia đình không thể bằng khi chồng tôi ở nhà, vì trước đây, anh ấy là người làm công việc cho cửa hàng như soạn thảo văn bản, đánh máy. Anh ấy làm giỏi lắm. Hơn nữa anh ấy là nhà văn, nên các cháu ở trường học gần đây hay ra.
Còn bây giờ tôi cũng già nua rồi, mắt mũi kém. Từ khi anh ấy vào tù, phần công việc đó tôi không làm được, mà ở đây thuê người thì không đủ tiền nuôi người ta. Cho nên, tôi cũng phải gắng làm những công việc ấy. Nói chung, thu nhập thấp đi nhiều, kém trước rất nhiều. Tôi khổ cái là đang nuôi một cháu đang ăn học ở Hà Nội, và năm nay bước sang năm thứ năm.
VOA: Trong những lần thăm nuôi gần đây, bà có chia sẻ với chồng về việc ông Lưu Hiểu Ba, hiện bị cầm tù ở Trung Quốc, được giải Nobel Hòa bình không?
Bà Nguyễn Thị Nga: Có, tôi có nói. Tôi cứ tưởng anh ấy không biết. Nhưng anh ấy bảo có biết. Tôi hỏi rằng anh có biết ông Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa bình không, thì anh còn biết là ông ấy được 1 triệu 300 nghìn đôla, và trước đây chỉ được một triệu thôi. Chắc là ở trong đấy cũng có thông tin và đài báo của trại giam.
VOA: Bà từng nói với báo chí rằng bà tin vào việc làm của chồng mình. Thưa bà, cụ thể việc đó là gì?
Bà Nguyễn Thị Nga: Anh ấy đấu tranh, đòi chủ quyền lãnh hải của Việt Nam rồi đòi quyền của con người. Tôi nghĩ rằng việc làm của anh ấy rất chính đáng. Cái việc làm đấy rất là chính đáng, chứ không có gì là sai. Tôi là đàn bà, phụ nữ, thì tôi cũng thấy là trong hiến pháp cũng có nói rằng mọi người có quyền lập đảng, lập hội, mà các anh ấy thì mới chỉ đòi. Ngay khi công an gọi tôi lên, tôi cũng nói rằng chồng tôi mới đòi đa nguyên, đa đảng thôi mà các anh đã bắt chồng tôi. Việc làm của chồng tôi thì tôi nghĩ chẳng có gì là sai cả.
Bên phòng Bạo loạn và Lật đổ họ cũng gọi tôi lên mấy lần, và hỏi rằng việc làm của chồng thị thì chị thấy như thế nào. Tôi nói tôi thấy là việc làm của anh ấy rất là chính đáng, rất là yêu nước.
Thí dụ cái khẩu hiệu giăng trên cầu Lạch Tray ở Hải Phòng thì mang ba dòng chữ. Dòng thứ nhất là, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và hải đảo cho Việt Nam. Dòng thứ hai là đòi tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam, và dòng thứ ba là đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam. Tôi nghĩ rằng quyền đòi hỏi chính phủ, chất vấn chính phủ của một người dân thì rất là bình thường. Tại sao các anh lại bắt chồng tôi. Tôi nói như thế.
VOA: Vậy, bà có nghĩ chồng mình là người bất đồng chính kiến không?
Bà Nguyễn Thị Nga: Có. Tôi có nghĩ chồng tôi là người bất đồng chính kiến. Thí dụ, anh thích một cái ghế màu nâu, nhưng quan điểm của tôi, tôi không thích màu tối, mà tôi thích màu sáng. Mỗi người có một quan điểm khác nhau. Các anh quan điểm một đảng là tốt, nhưng chồng tôi có quan điểm đa đảng thì tốt và muốn có cạnh tranh chính trị, có này, có khác. Đó là quan điểm của chồng tôi, và đúng là bất đồng với các anh. Chồng tôi là người bất đồng chính kiến. Vâng.
VOA: Nhưng thưa bà, Việt Nam luôn khẳng định không bắt giam những người bất đồng chính kiến, mà chỉ bắt giam những người vi phạm pháp luật. Suy nghĩ của bà ra sao?
Bà Nguyễn Thị Nga: Tôi nghĩ đấy là sai hoàn toàn. Đấy là ngụy biện. Nếu mà bắt giam chồng tôi phạm tội hình sự mà hình sự là gì, chồng tôi không ăn cắp, chồng tôi không ăn trộm, và chồng tôi không giết người.
Chồng tôi chỉ bày tỏ quan điểm thôi, thì làm sao lại gọi chồng tôi là phạm tội hình sự được? Tôi biết thừa, và tất cả những người nhà của những người bị bắt họ cũng đều biết là cái kiểu họ nói ngụy biện.
VOA: Theo cảm nhận của bà, nhân quyền nói chung nên được hiểu như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Nga: Nhân quyền là quyền của con người mà tất cả mọi người đều được hưởng, như quyền được nói, quyền được bày tỏ quan điểm, quyền được viết. Mọi quyền cơ bản nhất của con người mà ngay ở trong tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam ấy.
Các anh ấy đòi là đòi quyền cơ bản của con người, như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, nhưng mà tất cả các quyền đấy có được nói đâu?
VOA: Sau khi chồng bị bắt, bà mới nghiên cứu những điều bà vừa nói, hay là trước đây đã biết rồi?
Bà Nguyễn Thị Nga: Tôi nói thật với anh là tôi hay xem bài ở trên mạng và tôi cũng hay nghe đài, báo chí của nước ngoài. Thật sự với anh là tôi thấy là nó rất phi lý nhiều điều. Tôi thấy người dân Việt Nam, trong đó có gia đình mình, phải chịu khổ đau này rất là nặng nề.
Thí dụ, tôi thấy phi lý như cái đợt anh ấy bị bắt giữ ba ngày ở Hà Nội, sau đó họ đưa về quận Kiến An. Đợt anh ấy và sinh viên biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc. Chuyện ấy làm sao mà có quyền bắt người ta được?
VOA: Mong mỏi lớn nhất của bà hiện giờ là gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Nga: Chồng tôi không có tội, và tôi mong sớm thả những người vô tội như chồng, con chúng tôi ra. Tôi cũng muốn có một cuộc sống ổn định vì tôi còn phải nuôi một cháu nữa.
Xin cám ơn bà Nguyễn Thị Nga. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Nguyễn Trung phụ trách, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài tường thuật này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 độ plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.
Thưa quý vị, hôm 9/12, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã tổ chức một buổi thảo luận nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế (10/12). Tại diễn đàn này, Đại sứ Michael Michalak cho rằng, năm 2010 chứng kiến Internet và tự do ngôn luận đang ngày càng ‘bị bóp nghẹt’ ở Việt Nam. Trong khi đó, Hà Nội luôn nhấn mạnh việc ‘tôn trọng quyền tự do phát biểu của người dân’. Nhân ngày tôn vinh những người hoạt động vì nhân quyền, Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ đã hỏi chuyện bà Nguyễn Thị Nga, vợ ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà văn ở thành phố ở Hải Phòng từng bị kết án vì ‘tội tuyên truyền chống phá nhà nước’. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1