Đại sứ Mỹ Marc Knapper mới đây tới thăm và tưởng nhớ cố Lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Nam tại một khu di tích ở tỉnh Nghệ An, theo hai trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Chính phủ Việt Nam.
Đại sứ Knapper đến thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên hôm 27/9, ở đó, ông “bày tỏ xúc động khi tìm hiểu cuộc sống Chủ tịch Hồ Chí Minh thời thơ ấu tại Làng Sen” và cũng “dâng hoa, dâng hương lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, hai trang Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Thông tin Chính phủ cho biết.
Trang Thông tin Chính phủ viết rằng “Đoàn đại biểu Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã nghe thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quê Nội Bác Hồ” khi nói về chuyến thăm mới đây của ông Knapper. Trong khi đó, trang của Đại sứ quán Mỹ cho hay đây là lần đầu tiên ông Knapper đến thăm tỉnh Nghệ An.
Cuộc ghé thăm của Đại sứ Knapper diễn ra ở thời điểm mới được hơn nửa tháng kể từ khi giới lãnh đạo Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện hôm 10/9, một bước đi lịch sử khi xét đến quá khứ đau thương, chông gai giữa hai bên, vốn là cựu thù trong cuộc chiến kéo dài từ giữa những năm 1950 đến 30/4/1975 và mối quan hệ từ mức lạnh nhạt ban đầu thành mức tương đối hữu nghị hiện nay mới chỉ kéo dài 28 năm.
Kể từ khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ năm 1995, trước ông Knapper, từng có Đại sứ Mỹ Ted Osius và Đại sứ Daniel Kritenbrink đến viếng thăm, tưởng nhớ ông Hồ Chí Minh tại khu di tích Kim Liên ở Nghệ An lần lượt vào cuối tháng 1/2016 và giữa tháng 3/2019.
Do kết quả của nền giáo dục và hoạt động tuyên truyền, đông đảo nhân dân Việt Nam kính trọng ông Hồ Chí Minh, người được sử sách trong nước tôn vinh là có công “tìm đường cứu nước”, “giải phóng dân tộc” và luôn hun đúc cho “quyết tâm đánh Mỹ, thống nhất đất nước”.
Lúc cuối cuộc đời của mình, trong lời kêu gọi ngày 3/11/1968 và trong di chúc của ông công bố năm 1969, ông Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng nhân dân Việt Nam phải "tiến lên", "quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn".
Trong đoạn kết của lời kêu gọi đăng trên báo Nhân Dân hồi đầu tháng 11/1968, ông Hồ Chí Minh viết: “Trước mắt chúng ta còn nhiều gian khổ hy sinh nhưng sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta đang tiến mạnh đến ngày thắng lợi. Tổ quốc đang kêu gọi chúng ta hăng hái tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược! Đế quốc Mỹ nhất định thua! Nhân dân ta nhất định thắng!”
Vẫn vị lãnh tụ của Việt Nam thời đó viết trong di chúc được công bố sau khi ông mất vào ngày 2/9/1969 rằng “CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người, thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”
Tuy nhiên, gần đây, khi quan hệ Mỹ-Việt trở nên thân thiết hơn, các nhà lãnh đạo Việt Nam thường tìm cách chọn lọc, trích dẫn những ý kiến, quan điểm của ông Hồ Chí Minh trong quá khứ xa xôi, trước khi xảy ra chiến tranh giữa hai nước, để thể hiện rằng bản thân vị lãnh tụ được nhân dân Việt Nam tôn kính cũng như cả đất nước nói chung từ lâu đã muốn có quan hệ hữu nghị, hợp tác với Mỹ.
Mới đây nhất, khi cùng Tổng thống Mỹ tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng: “Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế khác theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ sau khi Việt Nam giành lại độc lập [tháng 9/1945] là Việt Nam làm bạn với tất cả các nước. Đối với Hoa Kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và Việt Nam sẵn sàng hợp tác đầy đủ với Hoa Kỳ”.
Diễn đàn