Các kế hoạch tăng cường thao dượt quân sự trên biển Đông có nhiều tranh chấp chủ quyền ở phía tây nam của Đài Loan có thể đẩy quốc đảo này dấn sâu hơn vào mâu thuẫn với Trung Quốc.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang mạo hiểm với một thách thức mới đối với Bắc Kinh bằng cách đẩy mạnh khả năng quân sự để bảo vệ lãnh thổ của họ trên Biển Đông có nhiều tranh chấp chủ quyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Thế Quan nói với Quốc hội tại Đài Bắc hồi tuần trước rằng hải quân của Đài Loan, nước bị cô lập về ngoại giao tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển và đang kiểm soát lãnh thổ lớn nhất trong đó, sẽ tăng cường tuần tra trong vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông trong bối cảnh sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng. Bộ trưởng Phùng cho biết hải quân cũng sẽ thao dượt chung với không quân.
Ông nói thêm rằng hải quân sẽ tăng cường tuần tra thường xuyên hơn trên Biển Đông, và sẽ diễn tập cứu hộ nhân đạo và bảo vệ tàu thuyền đánh cá và vận tải của Ðài Loan. Một tàu khu trục trọng tải 1.000 tấn tham gia tuần tra để bảo vệ tàu thuyền của Đài Loan.
Các chuyên gia lo ngại rằng việc Ðài Loan sử dụng quân đội để tiếp cận với vùng biển giàu tài nguyên ở phía tây nam của nước này có thể khiến Bắc Kinh giận dữ trong lúc quan hệ giữa hai bên đang căng thẳng, còn Ðài Loan có ít sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Nhà phân tích Ross Feingold của Viện tư vấn chính trị Mỹ có trụ sở tại Đài Bắc cho biết:
"Đáp lại việc này, nếu Trung Quốc có hành động gì đó trên biển Đông, như thao dượt quân sự, đưa tàu bè qua lại, thì đó chỉ là một sự thay đổi nhỏ đối với hiện trạng.
Nhưng nếu Trung Quốc muốn thể hiện không hài lòng đối với Đài Loan, họ có thể tiến hành cuộc thao dượt nhiều hơn nữa quanh đảo Đài Loan như họ đã làm hồi gần đây, cho dù Đài Loan không thực sự liên quan tới các tranh chấp trên Biển Đông.”
Trong tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay, tàu sân bay của Trung Quốc đã lượn quanh Đài Loan, và tuần trước Bắc Kinh đã bay máy bay quân sự vào vùng biển gần quần đảo bên ngoài Nhật Bản và phía đông của Đài Loan. Bộ Quốc phòng Ðài Loan đã theo dõi cả 2 động thái này.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 95 phần trăm diện tích Biển Đông. Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã khiến Đài Loan cũng như 5 nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở biển Đông giận dữ bằng việc san lấp các đảo trước đây không có người ở, xây dựng căn cứ quân sự trên đó và đưa tàu thuyền của họ vào các vùng tranh chấp.
Các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines có thể sử dụng quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc để đàm phán thỏa thuận. Nhưng Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần của lãnh thổ Trung Quốc, mặc dù Đài Loan đã tự trị kể từ những năm 1940. Sự ly gián đó đã chặn đứng mọi mối quan hệ ngoại giao chính thức.
Đài Loan, bị Trung Quốc bao vây trong 7 thập kỷ, khiến đảo quốc này không có một mối quan hệ ngoại giao nào ở châu Á. Bà Thái đã có cuộc nói chuyện ngắn gọn về an ninh với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 12 vừa qua, nhưng Tổng thống Trump đã không đưa ra dấu hiệu hỗ trợ nào.
Cuộc đối thoại Trung Quốc-Đài Loan không chính thức kéo dài 8 năm đã kết thúc sau khi bà Thái nhậm chức vào tháng 5 năm ngoái với một nhiệm vụ phải thận trọng hơn đối với Bắc Kinh. Theo ông Jonathan Spangler, giám đốc của viện nghiên cứu biển Đông có trụ sở tại Đài Bắc, Trung Quốc cũng đã "tự chế không quấy nhiễu" ngư dân Đài Loan vào thời điểm đó.
Ông nói thêm rằng việc liên hệ với các nước khác trên biển "có thể cho Bắc Kinh lý do để can thiệp bằng một cách thức có thể gây phương hại đến lợi ích của Đài Loan."
Nhà nghiên cứu Liu Fu-kuo về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc nói rằng từ mâu thuẫn hiện nay giữa Trung Quốc và Ðài Loan, Bắc Kinh có thể biến thành một phản ứng đối với hoạt động của Đài Loan trên biển.
Ông Liu nói tại một diễn đàn tin tức hôm thứ Sáu rằng: "Tổng thống Thái Anh Văn, cho dù các quan chức cấp cao đã nói rất nhiều về các điểm khác nhau trong chính sách Biển Đông, mỗi khi đề cập tới chuyện này, bà đều nói rằng không có sự thay đổi."
Nhà nghiên cứu này nói: "Và đây là chính sách mà chính phủ của chúng tôi đang thực hiện. Tôi hy vọng bà (Thái) sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì, bởi vì nó có sự liên kết chặt chẽ hơn các mối quan hệ xuyên eo biển."
Đài Loan hiện kiểm soát Ba Bình, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, và một bãi cạn gần đó. Ba Bình được xây dựng phát triển mạnh một cách bất thường, với một cơ sở tuần duyên, các thiết bị nghiên cứu khí tượng và một hệ thống pin mặt trời.
Tuy nhiên, bà Thái đã không tỏ ra dấu hiệu nào cho thấy Ðài Loan tìm cách mở rộng việc kiểm soát trên vùng biển giàu thủy sản, nhiên liệu hóa thạch là một hải lộ quan trọng.
Theo các học giả, tổng thống Đài Loan cuối cùng có thể tiếp bước người tiền nhiệm với các dự án được phát triển trên đảo Ba Bình như sản xuất điện mặt trời, nghiên cứu biển và cứu trợ nhân đạo. Cựu Tổng thống Mã Anh Cửu, có nhiệm kỳ từ 2008 tới năm ngoái, đã theo đuổi những chương trình mà Bộ Ngoại giao của ông gọi là "quyền lực mềm" của Đài Loan, trong khi vẫn giữ hòa bình với Trung Quốc.
Bộ Nội vụ của bà Thái cho biết vào tháng 8 họ đã nhắm mục tiêu đến việc đặt các cơ sở quan sát trên đảo Ba Bình và theo đuổi hợp tác toàn cầu về các vấn đề biến đổi khí hậu. Trong tháng mười một, đội tuần duyên và Bộ Quốc phòng công bố các kế hoạch cho các cuộc thao dượt cứu trợ "nhân đạo" xung quanh đảo.
Nhưng đảo Ba Bình, có chiều dài 1.400m và rộng 400m, vẫn do “các quân nhân được rèn luyện với kỹ năng cao” quản lý, theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Andrew Yang.
Ông Yang nói với diễn đàn tin tức hôm thứ Sáu rằng: "Cách tiếp cận chính là làm thế nào để tận dụng đầy đủ quyền lực mềm của chúng ta trên quần đảo Trường Sa thay vì tăng cường các căn cứ quân sự. Trong tương lai, tôi nghĩ rằng cách làm này sẽ ngày càng được nâng cao, đặc biệt là các hoạt động nghiên cứu hải dương.”