Dự định của Trung Quốc thành lập một mạng lưới quan trắc hải dương lần đầu tiên ở Biển Đông tái khẳng định tuyên bố đòi chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền chồng chéo với các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Mạng lưới quan trắc hải dương này sẽ thu thâp các thông tin quan trọng cho Trung Quốc về thăm dò dầu khí, tìm kiếm khoáng sản đồng thời có thể sử dụng cho các mục đích quân sự.
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đầu tuần này loan tin rằng Viện Âm học và Đại học Đồng tế ở Thượng Hải, thuộc Viện Khoa học Trung Quốc sẽ xây dựng một "mạng lưới quan trắc hải dương dài hạn" theo dõi vùng biển Biển Đông và Hoa Nam. Tuy nhiên, chính học viện này chưa đưa ra bình luận nào.
Mạng thông tin hải dương Trung Quốc, một cơ quan trực thuôc chính phủ dẫn lời một học giả hôm Thứ Bảy nói rằng nền tảng quan trắc này sẽ cung cấp thông tin từ đáy biển vào “thời điểm thực tế” cũng như khám phá thành phần hóa học, vật lý và sinh học "cho nhu cầu toàn diện của nhiều ứng dụng."
Các chuyên gia nói nền tảng quan trắc cảnh tỉnh 5 bên tranh chấp ở Biển Đông, cộng thêm Hoa Kỳ, về mức độ kiểm soát của Trung Quốc.
Các nhà phân tích dự báo rằng mạng lưới này sẽ hình thành một nền tảng quan trắc vật lý dưới nước cùng với một mạng lưới dây cáp truyền tải kết nối với đất liền. Mạng lưới này có thể giúp thu thập dữ liệu tình báo cho quân đội, khai thác khoáng sản dưới biển, hoặc khoan dầu mỏ dưới đáy biển.
Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho biết: "Đó là một cách để họ mở rộng kiểm soát và để chứng minh thẩm quyền của họ trong khu vực đó".
Ông Kok cho biết sẽ có nhiều nước khác phản đối dự án quan trắc này:
"Nếu theo dõi phản ứng của các bên tranh chấp khu vực Đông Nam Á, tôi nghĩ rằng những gì chúng ta có thể mong đợi là phản ứng của các đại diện ngoại giao. Ví dụ, sẽ có bộ ngoại giao của một nước đưa ra tuyên bố chỉ trích động thái này."
Ông Euan Graham, Giám đốc an ninh quốc tế thuộc Viện Lowy về Chính sách Quốc tế tại Sydney cho biết một mạng lưới quan trắc sẽ giúp cho cho sự hiện diện của Trung Quốc ở biển Đông có một cơ sở pháp lý mạnh hơn theo luật quốc tế. Vào tháng 7 năm ngoái, một tòa án trọng tài quốc tế ra phán quyết rằng các cơ sở lịch sử mà Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền trên biển là không hợp lệ.
Theo Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, các quốc gia ven biển kiểm soát tất cả các nghiên cứu khoa học hải dương trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (tức khoảng 370 km) nhưng phải thường xuyên trao quyền cho các quốc gia khác được tiếp cận vì các mục đích nghiên cứu ôn hòa.
Ông Graham nói: "Nếu một dự án khoa học đang diễn ra, hoạt động này mượn danh tính hợp pháp". Ông cho biết thêm rằng Trung Quốc có thể chuyển giao các dữ liệu quan trắc này cho quân đội. "Sẽ có một sự mập mờ trong các hoạt động của khoa hải dương học và quân sự."
3 trong số 20 hòn đảo mà Trung Quốc chiếm giữ ở quần đảo Hoàng Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, đã có các bến cảng để neo đậu tàu hải quân được xây dựng. Bốn đảo có bến cảng nhỏ hơn và cảng thứ 5 đang được xây dựng, theo thông tin từ một dự án thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ. Trung tâm này cho biết máy bay trực thăng có thể đáp xuống 6 đảo khác.
Các ngành khoa học tự nhiên
Nhưng hệ thống quan trắc dưới biển chưa bắt đầu thực hiện như là một dự án quân sự. Các cuộc thảo luận bắt đầu vào năm 2011, cuối cùng thì tập trung vào đề xuất của Cơ quan theo dõi động đất của Trung Quốc và tập đoàn dầu khí CNOOC.
Bà Yun Sun, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson ở Washington cho biết: "Dự án đó phần nhiều mang tính khoa học tự nhiên hơn là một dự án khoa học xã hội." Bà cho biết dự án đã tìm được nguồn cấp kinh phí và đã lập nghiên cứu khả thi. Bà cho biết thêm: "Tôi nghĩ yếu tố quân sự là một phần của dự án này, nhưng phần dân sự của nó không phải là không đáng kể. Ở mức tối thiểu, nếu hệ thống này được triển khai thì sẽ giúp Trung Quốc thu thập thông tin tốt hơn ở cả hai biển".
Mạng lưới quan trắc dưới nước có những chuyển động mới vào tháng 2 năm ngoái khi các quan chức Trung Quốc thông qua một đạo luật về thăm dò đáy biển sâu để khai thác khoáng sản.
Ông Fabrizio Bozzato, nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề quốc tế tại Đại học Tamkang ở Đài Loan nói: "Việc xây dựng nền tảng này nên được xem như là một phần của một chiến lược thăm dò và phát triển dưới đáy biển rộng lớn hơn. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng nền tảng này sẽ là cơ hội quý giá cho chương trình nghiên cứu đáy biển của Trung Quốc.
Ông Bozzato nói: "Thông điệp ở đây chính là Trung Quốc và việc phát triển kinh tế của nước này không bị giới hạn chỉ trên đất liền, không chỉ giới hạn bởi Vạn lý Trường thành, nhưng còn được mở rộng xuống cả đại dương, ở các vùng biển của Trung Quốc.”
Việc Trung Quốc bồi đắp các đảo, xây dựng các cơ sở quân sự và cho các tàu thuyền Trung Quốc lưu thông ở vùng biển có tranh chấp trong nửa thập kỷ qua đã làm các nước Đông Nam Á tức giận.
Hôm thứ Năm, Nhật Bản phát hiện máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay gần một chuỗi các hòn đảo không có người ở, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Tokyo trên vùng Biển Hoa Đông.