Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố tại Australia là Hoa Kỳ cần ôn lại lịch sử về Biển Đông vì những thỏa thuận liên hệ đến Thế Chiến Thứ Hai qui định là tất cả những lãnh thổ của Trung Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng phải được trả lại cho Trung Quốc.
Trung Quốc đang bất bình vì những bình luận của tân chính quyền Mỹ về thủy lộ đang tranh chấp này.
Tại buổi điều trần để được Thượng viện chuẩn thuận, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói chớ nên để cho Trung Quốc được phép tiếp cận các đảo Bắc Kinh xây dựng tại Biển Đông. Tòa Bạch Ốc cũng cam kết bảo vệ “những lãnh thổ quốc tế” trên thủy lộ chiến lược này.
Tuy nhiên, tuần rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis tuyên bố nên ưu tiên ngoại giao trong tranh chấp Biển Đông.
Trong bình luận đưa lên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào cuối ngày 7/2, ông Vương Nghị đề nghị các bạn bè Mỹ “Hãy ôn lại lịch sử Thế Chiến Thứ Hai.” Lời phát biểu được đưa ra trong chuyến đi thăm Canberra, Australia.
Ông Vương nói Tuyên ngôn Cairo năm 1943 và Tuyên ngôn Potsdam năm 1945 nêu rõ là Nhật Bản phải trả lại Trung Quốc tất cả lãnh thổ Trung Quốc mà Nhật Bản chiếm đóng.
Ông nói thêm “Việc này bao gồm quần đảo Nam Sa,” tức quần đảo Trường Sa.
“Vào năm 1946, chính phủ Trung Quốc lúc bấy giờ với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ đã công khai và hợp pháp lấy lại quần đảo Nam Sa và những bãi đá Nhật chiếm đóng, và tái lập thực hành chủ quyền tại đây. Sau đó, một vài quốc gia xung quanh Trung Quốc đã dùng những phương pháp bất hợp pháp để chiếm một số đảo và bãi đá tại Nam Sa, và vì vậy đã tạo nên cái gọi là tranh chấp Biển Đông,” Ngoại trưởng Trung Quốc giải thích.
Ông Vương cho biết Trung Quốc cam kết thảo luận với các bên liên hệ trực tiếp, theo đúng dữ kiện lịch sử và luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề một cách hòa bình, và rằng lập trường đó không thay đổi.
Ông nói thêm là những nước bên ngoài khu vực nên ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc và những quốc gia khác trong vùng để giữ gìn hòa bình và ổn định tại Biển Đông, chứ không nên làm ngược lại.
Trung Quốc đánh giá cao bình luận của ông Mattis nhấn mạnh đến những nỗ lực ngoại giao tại Biển Đông vì đây không phải lập trường duy nhất của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, mà còn là “lựa chọn đúng đắn” cho các quốc gia bên ngoài khu vực, ông Vương nhấn mạnh.
Trung Quốc nhận chủ quyền hầu như toàn thể Biển Đông trong khi Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei nhận một phần chủ quyền trên vùng biển có thủy lộ chiến lược và có tài nguyên cá phong phú cùng với trữ lượng dồi dào về dầu mỏ và khí đốt.