Đường dẫn truy cập

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bị tố cáo có mưu toan tiêu diệt ngân hàng


Khách hàng sử dụng máy ATM tại một chi nhánh của Ngân hàng Asya tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.
Khách hàng sử dụng máy ATM tại một chi nhánh của Ngân hàng Asya tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cáo buộc tìm cách tiêu diệt một trong các ngân hàng dính líu tới những vụ xích mích chính trị của nước này. Thông tín viên Dorian Jones tường thuật cho VOA từ Istanbul, nơi việc đấu đá đang làm tăng thêm mối lo ngại của nhà đầu tư về Thổ Nhĩ Kỳ.

Thị trường chứng khoán của Thổ Nhĩ Kỳ đã dỡ bỏ một lệnh cấm tạm thời đối với các vụ mua bán cổ phần của ngân hàng Asya có trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ sau một tháng đóng băng.

Ngân hàng này đã trở thành nạn nhân của vụ tranh giành quyền lực giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và đảng AK đương quyền với giáo sĩ Hồi giáo Fetullah Gulen, một người có thời là đồng minh thân cận của ông Erdogan. Tổng thống Erdogan cáo buộc ông Gulen và những người ủng hộ đang điều hành một nhà nước song hành để tìm cách lật đổ chính phủ.

Ngân hàng Asya bị dính líu vào vụ này vì những người điều hành cấp cao của ngân hàng và một số cổ đông bị cho là những người ủng hộ ông Gullen, theo lời Chủ tịch ban quản trị ngân hàng Ahmet Beyaz. Ông Beyaz nói vì ngân hàng này bị cho là có liên hệ với giáo sĩ Gullen nên đã bị truyền thông ủng hộ chính quyền nhắm vào, đồng thời bị kiểm soát nhiều hơn.
Phân tích gia Atilla Yesilada của Global Source Partners giải thích rằng ngân hàng Asya đã trở thành nạn nhân của một vụ tấn công chưa từng có.

Ngân hàng Asya trở thành nạn nhân của vụ tranh giành quyền lực giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và đảng AK đương quyền với Giáo sĩ Hồi giáo Fetullah Gulen.
Ngân hàng Asya trở thành nạn nhân của vụ tranh giành quyền lực giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và đảng AK đương quyền với Giáo sĩ Hồi giáo Fetullah Gulen.

Ông Yesilada nói: “Trong khuôn khổ cuộc tấn công lớn của Đảng AKP nhắm vào bất cứ thứ gì có liên hệ đến phong trào Gullen, ngân hàng Asya đã bị đặt dưới áp lực. Đầu tiên là tất cả các định chế nhà nước và doanh nghiệp kinh tế nhà nước, đứng đầu là hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ, đã rút hết khoản tiền ký thác của họ. Các hợp đồng của ngân hàng để thu thuế và các khoản phí khác đã bị hủy bỏ mà không có nguyên do chính đáng nào. Và khi ngân hàng muốn phát hành trái phiếu thì Hội đồng Thị trường Vốn đã bác đơn của ngân hàng và đây là một điều ít có khi nào xảy ra. Chừng đó vẫn chưa đủ, ban quản lý thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ còn quyết định đình chỉ giao dịch cổ phần của ngân hàng này”.

Nhưng ông Beyaz cho biết ngân hàng của ông không liên quan với bất cứ thực thể chính chính trị cụ thể nào và hơn một nửa cổ phần của ngân hàng được giao dịch công khai, với các nhà đầu tư nước ngoài chiếm đa số về sự hậu thuẫn tài chính.

Các nhà phân tích nói nhờ vào việc đã phát triển một mạng lưới tốt trên khắp các thị trường phát triển, đặc biệt là châu Phi, ngân hàng Asya được coi là quan trọng trong việc giúp cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đa dạng hóa sự phụ thuộc vào các thị trường châu Âu truyền thống. Nhưng giá trị cổ phần của ngân hàng đã bị sụt giảm mạnh kể từ khi bị tấn công.

Theo ông Kadri Gursel của báo Milliyet của Thổ Nhĩ Kỳ, một hợp đồng bán ngân hàng Asya cho ngân hàng của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Ziraat đã bị cố vấn kinh tế Yigit Bulut của Tổng thống Erdogan chặn lại.

Ông Gursel cho biết: “Ngân hàng Asya sắp được ngân hàng Ziraat mua lại, thì ngày hôm sau ông Yigit Bulut từ chối việc này. Lần đầu tiên trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, lịch sử hiện đại, nhà nước muốn và tìm cách nhận chìm một ngân hàng”.

Giáo sư kinh tế Cengiz Aktar của trường đại học Suleyman Sah của Thổ Nhĩ Kỳ nói chính phủ đang chơi một trò chơi nguy hiểm.

Ông Aktar nói: “Rất mạo hiểm, bởi vì chính phủ đưa ra tín hiệu hoàn toàn sai cho cộng đồng tài chính quốc tế. Bởi đó mà Thổ Nhĩ Kỳ bị xem là một quốc gia có thể đối xử một cách tùy tiện với các ngân hàng bình thường”.

Nhiều nhà quan sát nói rằng vì sự tăng trưởng mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bị suy giảm và cơ quan đánh giá tín dụng bắt đầu bày tỏ lo ngại về tình trạng kinh tế và nhu cầu cải cách cơ cấu, cho nên vụ tranh cãi này diễn ra vào một thời điểm rất tệ hại. Ông Yesilada nói đất nước có thể phải trả một giá đắt.

Ông Yesilada nhận định rằng: “Mọi người đang xem xét vô cùng kỹ lưỡng về vấn đề họ có nên tiếp tục làm ăn với Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Tuy nhiên những điều này sẽ xảy ra từ từ”.

Với việc Tổng thống Erdogan và tân Thủ tướng Ahmet Davutoglu cảnh báo họ sẽ không ngưng cuộc chiến chống lại phong trào Gullen, các nhà phân tích cho rằng những khó khăn của ngân hàng Asya có phần chắc sẽ không kết thúc trong nay mai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG