Ông Recep Tayyip Erdogan tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Năm. Ông vươn lên chức tổng thống sau 11 năm làm thủ tướng, một động thái được xem là bước đi mới nhất trong tiến trình củng cố quyền lực của ông. Thông tín viên Dorian Jones tường trình từ Istanbul.
Tại một buổi lễ tưng bừng, ông Recep Tayyip Erdogan trở thành tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ được bầu lên trực tiếp, sau khi giành được 52 phần trăm số phiếu trong cuộc bầu cử hồi đầu tháng này.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh đất nước đang tiến vào một kỷ nguyên mới.
Ông nói rằng thời đại của nước Thổ Nhĩ Kỳ cũ đã qua. Ông nói giờ chúng ta đang ở trong thời đại của một nước Thổ Nhĩ Kỳ mới, một nước Thổ Nhĩ Kỳ vĩ đại chứa đựng thực chất và tinh thần của nền cộng hòa.
Tổng thống Erdogan sau đó nói tiếp rằng, với tư cách là tổng thống đầu tiên được bầu lên trực tiếp, ông sẽ làm việc chặt chẽ với thủ tướng được chọn ra của đất nước.
Theo hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, chức vụ tổng thống vốn phần lớn mang tính nghi lễ và phi đảng phái. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan đã tuyên bố ông sẽ đóng một vai trò tích cực hơn trong chính trường. Trong diễn văn nhậm chức, ông nêu ra những ưu tiên chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục nỗ lực của nước này xin gia nhập Liên minh châu Âu.
Tổng thống Erdogan cũng khẳng định lại tầm quan trọng của việc giải quyết cuộc nội chiến ở nước láng giềng Syria.
Ông nói có 200.000 người chết ở Syria, chúng ta không thể làm ngơ điều này, ưu tiên của chúng ta là hòa bình, đoàn kết và phúc lợi của khu vực.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Abdullah Gul, một đồng minh chính trị của ông Erdogan từ nhiều thập kỷ nay, trong diễn văn cuối cùng trên cương vị tổng thống, dành cho người kế nhiệm một số lời khuyên.
Ông nói, trong vai trò tổng thống, ông đã làm việc hòa hợp với xã hội dân sự và nhánh tư pháp trong suốt nhiệm kỳ của ông.
Hồi năm ngoái, cuộc đàn áp mạnh bạo những cuộc biểu tình chống chính phủ do thủ tướng khi đó là Erdogan chỉ thị đã làm bùng lên những lo ngại ngày càng tăng, cả trong nước lẫn quốc tế, rằng ông ngày càng trở nên độc đoán.
Theo các nhà quan sát, những cáo buộc ngày càng nhiều, nói rằng Ankara đã không ngăn chặn những chiến binh thánh chiến sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ làm đường tiến vào Syria, đang làm một số đồng minh phương Tây thêm lo ngại về những triển vọng khi Erdogan nắm quyền tổng thống.
Các nhà phân tích nói rằng một dấu hiệu của những mối lo ngại này là không có lãnh đạo nào của Tây Âu tham dự lễ nhậm chức hôm thứ Năm, trong khi Mỹ cử đại diện là một nhà ngoại giao từ Đại sứ quán ở Ankara. Washington nhấn mạnh rằng không hề có sự lạnh nhạt nào và mong muốn làm việc với tân tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ.