Istanbul là nơi sinh sống của nhiều tín đồ cả Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shia (còn gọi là Hồi giáo Jafari ở Thổ Nhĩ Kỳ.) Nhưng căng thẳng giữa hai nhóm đã tăng lên sau vụ tấn công đốt phá Nhà thờ Hồi giáo Muhamadiye Jafari ở Istanbul.
Đứng giữa nhà thờ cháy rụi của mình, giáo sĩ Hamza Aydin nói ông không nghi ngờ rằng sự phân chia giáo phái là động cơ của cuộc tấn công.
Ông Aydin nói rằng ngay trước vụ tấn công, một nhóm người đến nhà thờ Hồi giáo và nói: ‘Các người là người Jafari; các người thờ đá. Chúng tôi sẽ đốt nhà thờ này. ' Ông Aydin nói khi đến báo cảnh sát, họ chỉ ghi chép mà không làm gì cả. Những người làm điều này không thể là người Hồi giáo.
Hai nước láng giềng Iraq và Syria của Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến xung đột sắc tộc tăng cao giữa người Sunni và người Shia, phần nhiều được cho là do sự trỗi dậy của ISIL, nhóm Hồi giáo Sunni cực đoan mà trước đây gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông, nhưng giờ được gọi ngắn gọn là Nhà nước Hồi giáo. Nhóm này coi người Shia là thành phần dị giáo.
Nhà phân tích Sinan Ulgen của Viện Carnegie châu Âu tại Brussels cho biết ngày càng có nhiều lo ngại rằng chiến tranh giáo phái của ISIL đang lan đến Thổ Nhĩ Kỳ:
"Có những cáo buộc cho rằng một số thành viên của một mạng lưới khẳng định có quan hệ gần gũi với ISIL đã dàn dựng vụ này. Một số nhóm chủ chiến đã có thể thiết lập mạng lưới của họ trong những năm qua, đồng thời chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhắm mắt làm ngơ nhiều nhóm đối lập. Vụ việc chỉ cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được an toàn trước những bất ổn từ Syria."
Đảng cầm quyền AK của Thổ Nhĩ Kỳ có nguồn gốc Hồi giáo ủng hộ các nhóm nổi dậy đang chiến đấu với chế độ Syria. Vụ tấn công đốt phá nhà thờ Hồi giáo ở Istanbul không phải là vụ việc duy nhất. Thực vậy, người Shia ở Istanbul nói họ đã bị nhắm làm mục tiêu của tình trạng bạo lực giáo phái gia tăng.
Một người bán hàng trong một khu vực có nhiều người Shia sinh sống ở Istanbul cho biết ông lo ngại ISIL có thể đưa chiến tranh giáo phái chống người Shia của họ đến Thổ Nhĩ Kỳ:
“Tôi sợ rằng điều tương tự có thể lan sang Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi gần đây, một người la hét nói rằng mình là người của ISIL và bắt đầu tấn công người Shia bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Istanbul. Mọi người đều rất lo lắng.”
Chính trị bầu cử cũng có thể là một yếu tố đằng sau căng thẳng đang tăng. Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đang tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng tới, và ông đang tập hợp lực lượng ủng hộ với phần lớn là người Sunni bảo thủ. Những người chỉ trích cáo buộc ông ngày càng sử dụng ngôn ngữ mang tính phân chia giáo phái nhắm vào người Shia. Ông cũng bỏ qua những lời kêu gọi từ truyền thông và từ những nhóm người Shia lên án vụ tấn công nhà thờ Hồi giáo ở Istanbul.
Nhưng ông Mehmet Gomez, người đứng đầu Diyanet, cơ quan nhà nước quản lý đức tin Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã đến thăm nhà thờ Hồi giáo bị thiêu rụi:
“Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại nhà thờ. Chúng ta đều là người Hồi giáo, chúng ta đều dùng Kinh Koran và cầu nguyện ở nhà thờ. Chúng ta sẽ thay thế những cuốn sách bị đốt theo cách tốt nhất có thể, và sau đó chúng ta sẽ hội tụ về đây lần nữa và cùng nhau cầu nguyện.”
Các nhà quan sát nói những cử chỉ như vậy có thể là thiết yếu trong bối cảnh căng thẳng và lo ngại tăng cao về mối nguy hiểm ngày càng lớn của những nhóm cực đoan như ISIL.
Tuy nhiên, cờ và khăn quấn của ISIL được nhìn thấy ngày càng nhiều ở các cuộc biểu tình do các nhóm Hồi giáo tổ chức, cho thấy rằng ít nhất một số người Sunni ở Thổ Nhĩ Kỳ có cảm tình với ISIL. Các nhà phân tích cảnh báo rằng sự hiện diện ngày càng tăng của ISIL có phần chắc sẽ thách thức tính cố kết của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.