Đường dẫn truy cập

Tân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đổi thái độ với nhóm Hồi giáo cực đoan


Tổng thống tân cử Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
Tổng thống tân cử Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Trên cương vị thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, chính sách đối ngoại của ông Recep Tayyip Erdogan đối với những nhóm thánh chiến như Nhà nước Hồi giáo đã gây căng thẳng cho mối quan hệ với các nước đồng minh phương Tây. Và một lần nữa vấn đề này đang được nêu ra khi ông Erdogan tiến lên vai trò mới là tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng theo tường trình của thông tín viên Dorian Jones từ Istanbul cho đài VOA thì một sự thay đổi trong chính sách có thể sắp diễn ra.

Tháng trước, ông Erdogan hô hào trước người ủng hộ rằng cuộc tấn công quân sự của Israel ở Dải Gaza vượt xa sự tàn bạo của Hitler trong Thế chiến thứ hai.

Và mặc dù bị cả châu Âu và Washington lên án, ông Erdogan tiếp tục lặp lại những phát biểu bùng nổ này trước tiếng vỗ tay cuồng nhiệt của khối cử tri Hồi giáo bảo thủ.

Các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng lo ngại về những cơn bột phát của ông Erdogan kể từ vụ đàn áp mạnh tay các cuộc biểu tình chống chính phủ hồi năm ngoái về kế hoạch xây dựng trên Công viên Gezi bên cạnh Quảng trường Taksim của Istanbul.

Nhưng Sinan Ulgen, nhà phân tích của Viện nghiên cứu Carnegie ở Brussels (Bỉ), cho rằng với việc ông Erdogan sắp lên chức tổng thống, ông có thể sẵn sàng đổi hướng. Bà nhận định:

"Ông ấy sẽ cố gắng cải thiện hình ảnh quốc tế của mình, đã bị hoen ố vào năm ngoái đặc biệt là kể từ vụ Gezi. Ông ấy chắc chắn sẽ có cơ hội giành lại chút tin tưởng mà ông ấy đã đánh mất trong năm qua về vị thế quốc tế của mình."

Những cuộc xung đột đang hoành hành ở Iraq và Syria, bị đẩy cao bởi đà tiến chiếm như vũ bão của nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo, có thể cho Tổng thống đắc cử Erdogan cơ hội để cải thiện quan hệ với các đồng minh phương Tây của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới với cả Iraq và Syria, do đó các cơ quan tình báo phương Tây xem Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò cốt yếu trong việc để mắt kiểm soát những phần tử thánh chiến, đặc biệt là khi họ trở về nhà.

Nhưng đối với những nhóm Hồi giáo cực đoan như nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), lòng trung thành của Ankara đặt ở đâu còn là điều chưa rõ ràng, chuyên gia quan hệ quốc tế Soli Ozel của Đại học Kadir Has ở Istanbul nói:

"Chúng ta có đủ những câu chuyện và bằng chứng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ từng đóng một vai trò trong việc tài bồi nhóm IS. Họ nghĩ ‘càng đông càng vui,’ tức là, càng nhiều nhóm tấn công chế độ Bashar al-Assad thì càng tốt. Chúng tôi đã nghe từ chính những người trong chế độ và từ IS nói rằng họ có thể dễ dàng vượt biên giới ra sao và giờ thì việc này đang trở nên khó khăn như thế nào. Bởi vì trong lời nói, và tôi đoán là trong hành động nữa, Thổ Nhĩ Kỳ đang thay đổi chính sách của mình. Bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ không thể duy trì đối thoại với các đồng minh phương Tây của mình. Dù sao thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hiểu họ cần gì."

Các nhà phân tích nói rằng sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các cơ quan tình báo phương Tây đã cải thiện trong việc theo dõi nhóm Nhà nước Hồi giáo. Họ nói rằng điều này có thể một phần là vì Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại về hệ lụy của việc hậu thuẫn những chiến binh thánh chiến.

Cũng thêm vào sự thay đổi chính sách rõ ràng của ông Erdogan là mối quan ngại về 49 nhà ngoại giao mà nhóm Hồi giáo này bắt làm con tin khi chiếm giữ thành phố Mosul của Iraq.

Nhưng chuyên gia quan hệ quốc tế Ozel nói Ankara không thể dứt khoát mạnh tay với nhóm Nhà nước Hồi giáo vì một vài lý do. Ông nói:

"IS về cơ bản bắt Thổ Nhĩ Kỳ làm con tin bằng việc bắt giữ 49 con tin. Chúng ta không biết gì về số phận của các con tin này. Và nếu tin tức là đúng thì 10 phần trăm chiến binh IS là người Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này có nghĩa là có rất nhiều người có cảm tình. Không thể biết được ở đâu có kẻ nằm vùng có thể quyết định thực hiện một hành vi bạo lực tại một thành phố lớn."

Tháng trước, nhiều kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ chiếu đoạn phim cho thấy hàng chục thành viên của nhóm Nhà nước Hồi giáo và những người ủng hộ tổ chức một cuộc họp mặt ngay bên ngoài Istanbul. Sự kiện như vậy gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống đắc cử Erdogan rằng, nếu ông ta mạnh tay trấn áp nhóm thánh chiến này, ông sẽ phải tính tới các mối đe dọa trả đũa và số phận của những con tin Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đổi lại đây có thể là một bước quan trọng trong việc xây dựng lại mối quan hệ với các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG