Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tính nước cờ quyền lực kế tiếp sau khi tái đắc cử


Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Với việc ông Recep Tayyip Erdogan được bầu làm tổng thống, thách thức đầu tiên của ông là tìm kiếm người kế nhiệm cho văn phòng thủ tướng và lãnh đạo đảng chính trị AKP của ông. Mặc dù ông nói rằng muốn tối đa hóa quyền lực của tổng thống, quyền lực thực sự vẫn nằm ở quốc hội. Theo tường trình của thông tín viên Dorian Jones thì chưa đầy một năm nữa là tới cuộc tổng tuyển cử, việc tìm kiếm một nhà lãnh đạo vừa có thể giữ đoàn kết cho đảng ông lại vừa đủ trung thành để duy trì quyền lực của ông được xem là vấn đề chủ chốt mà ông Erdogan phải đối mặt.

Những người ủng hộ ông Erdogan ăn mừng đến sáng sớm sau khi ông được bầu làm tổng thống thứ 12 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng dù ông giành chiến thắng ngay vòng đầu tiên với đa số tuyệt đối cử tri, nhà phân tích Sinan Ulgen của Viện Carnegie tại Brussels, Bỉ cho biết vị tân tổng thống đối mặt với một vấn đề cấp thiết:

“Theo hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, chức năng hành pháp chính nằm ở thủ tướng, không phải tổng thống. Rõ ràng ông Erdogan sẽ muốn thiết lập cương vị tổng thống nắm quyền hành pháp trên thực tế. Nhưng điều này sẽ là khó khăn nếu xét tới trật tự hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy nhân vật sẽ thay thế ông Erdogan làm thủ tướng kế tiếp của đất nước cũng sẽ rất quan trọng.”

Đảng AK của ông Erdogan chiếm thế áp đảo ở quốc hội, nhưng việc lựa chọn một người kế nhiệm có thể không dễ dàng. Nhà phân tích Ulgen nói thủ tướng mới sẽ phải là một chính trị gia lão luyện. Ông phân tích:

“Thủ tướng kế tiếp sẽ phải thực hiện màn giữ thăng bằng chính trị rất phức tạp. Một mặt, ông ta sẽ phải áp đặt quyền lực của mình đối với đảng. Ông ta cũng sẽ cần phải thiết lập một vị thế cân bằng với tổng thống đắc cử. Và ông ta sẽ phải dẫn dắt đảng của mình tới cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2015.”

Một yếu tố khác, điều ông Erdogan dự kiến sẽ cân nhắc khi lựa chọn thủ tướng mới, sẽ là khả năng của người kế nhiệm ông giữ đoàn kết trong đảng cầm quyền AK.

Đảng AK bao gồm nhiều phe phái thường xuyên mâu thuẫn nhau. Các nhà phân tích nói rằng một trong những thành tựu lớn nhất của ông Erdogan trên cương vị thủ tướng là khả năng của ông giữ đoàn kết trong đảng.

Năm sau Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Nhà bình luận chính trị Asli Aydintasbas của tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Milliyet nói rằng kết quả của cuộc bỏ phiếu sẽ rất hệ trọng đối với tham vọng của ông Erdogan. Ông nhận định:

“Ông Erdogan sẽ không phải là người lãnh đạo đảng và do đảng AK sẽ tiến vào cuộc bầu cử mà không có nhà lãnh đạo giàu sức lôi cuốn. Họ thực sự sẽ phải tự mình chiến đấu. Và hơn hết, nếu họ không tăng được số phiếu, họ sẽ không đạt đủ túc số trong quốc hội mà họ cần để thay đổi hiến pháp. Vì vậy, ai lãnh đạo đảng cho cuộc bầu cử năm 2015 là cực kỳ quan trọng.”

Lịch sử chính trị gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ đầy những những nhà lãnh đạo chính trị quyền lực sau khi trở thành tổng thống lại chứng kiến quyền lực của mình tàn lụi.

Nếu ông Erdogan có thể dàn xếp bổ nhiệm một thủ tướng lâm thời dễ bảo, ông sẽ gây được ảnh hưởng đến những quyết định và tiếp tục điều hành chính phủ cho đến khi hoàn thành tham vọng dài hạn của mình là thay thế thể chế đại nghị bằng thể chế tổng thống. Điều này làm cho việc lựa chọn người kế nhiệm của ông trở thành một trong những quyết định quan trọng nhất mà ông sẽ phải thực hiện trong vai trò mới của mình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG