Thứ 5 vừa qua Trung Quốc đã công bố bạch thư quốc phòng năm 2010 và nói rằng mục đích của việc công bố này là tăng cường sự minh bạch của quân đội và gia tăng sự tin tưởng của thế giới đối với quyết tâm của Bắc Kinh trong việc theo đuổi sự phát triển trong hòa bình.
Tại buổi lễ giới thiệu cuốn sách bìa trắng này, Đại tá Cảnh Nhạn Sinh, người phát ngôn của quân đội Trung Quốc, tuyên bố như sau:
"Chính phủ Trung Quốc nhiều lần công bố bạch thư quốc phòng để giới thiệu về chính sách quốc phòng, về tình hình kiến thiết quốc phòng và quân đội, với mục đích giới thiệu một cách đầy đủ hơn cho cộng đồng quốc tế về Trung Quốc và quân đội Trung Quốc và để gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa Trung Quốc với các nước khác trên thế giới."
Văn kiện hôm thứ 5 là bạch thư quốc phòng thứ 7 mà Bắc Kinh đưa ra kể từ năm 1998. Chính phủ Trung Quốc đã dành nhiều phần trong văn kiện này để tìm cách trấn an thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng, về điều thường được gọi là “sự trỗi dậy trong hòa bình” của Trung Quốc, giữa lúc có sự lo ngại ngày càng tăng về sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, nhiều nước ở Á châu, cá biệt là Nhật Bản, Việt Nam và Philippines, đã cảm thấy bất an vì những hành động mà họ cho là “hung hăng” của Trung Quốc liên quan tới những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Hoàng hải và biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là biển Đông.
Bạch thư quốc phòng 2010 của Trung Quốc đã đặc biệt đề cập tới tình trạng thù địch giữa hai bờ eo biển Đài Loan và đề nghị giới hữu trách ở Đài Bắc tiến hành những cuộc thảo luận về chính trị và quân sự để đôi bên có thể tiến tới chỗ chấm dứt tình trạng thù địch và ký kết một hiệp định hòa bình. Về việc này, Đại tá Cảnh Nhạn Sinh phát biểu như sau:
"Người Trung Quốc ở hai bờ eo biển nên hết sức cố gắng để né tránh tình trạng cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt. Chúng ta nên sát cánh với nhau trong môi trường hòa bình để cùng nhau xây dựng một tương lai tươi đẹp cho dân tộc Trung Hoa."
Đề nghị đàm phán về quân sự và chính trị của Trung Quốc đã nhanh chóng bị chính phủ ở Đài Loan bác bỏ. Phát ngôn viên quân đội Đài Loan, ông La Thiệu Hòa, hôm thứ 5 cho báo chí biết rằng chính phủ ở đây không có ý định thực hiện những biện pháp xây dựng lòng tin, thường được gọi tắt theo tiếng Anh là CBM (confidence building measures), mà Trung Quốc đề nghị. Một ngày trước đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoa lục của Đài Loan, ông Lưu Đức Huân, cũng nói rằng thời điểm này không phải là lúc để Đài Loan và Trung Quốc thảo luận các vấn đề chính trị và quân sự. Ông Lưu cho biết “đôi bên đang đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh từ những hoạt động giao lưu xuyên eo biển Đài Loan, và việc giải quyết các vấn đề kinh tế là ưu tiên hàng đầu của Đài Loan vào lúc này.”
Tiến sĩ Trịnh Kế Văn là Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng Á châu Thái bình dương ở Đài Bắc. Ông cho biết tình hình trên chính trường Đài Loan hiện nay không cho phép chính phủ thực hiện những hành động có tính chất đột phá trong mối quan hệ với Trung Quốc:
"Trên thực tế, chúng ta còn phải chờ xem những điều kiện khách quan sau này có cho phép hay không để có thể tiến hành những cuộc thương thảo hay bàn luận chi tiết. Trong tình hình hiện nay, vì chỉ còn khoảng 1 năm nữa là tới ngày bầu cử Tổng thống ở Đài Loan, nên chính trường ở đây có nhiều vấn đề tranh cãi sôi nổi. Và điều này chắc chắn sẽ khiến cho cuộc thảo luận với Trung Quốc phải hoãn lại cho tới ít nhất là sau ngày bầu cử."
Trong vài năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mã Anh Cửu của Quốc Dân Đảng, mối quan hệ của Đài Loan với Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Mặc dù vậy, nhiều người Đài Loan, đặc biệt là những người về phe Đảng Dân Tiến đối lập, tiếp tục lo ngại trước mối đe dọa quân sự của Trung Quốc. Tin tức ở Đài Loan cho biết quân đội Trung Quốc đang bố trí trong vùng duyên hải đông nam khoảng 1 ngàn 400 phi đạn tầm ngắn nhắm thẳng vào đảo quốc Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh nói là một phần của lãnh thổ Trung Quốc và sẽ dùng vũ lực để chiếm lại trong trường hợp cần thiết.
Trong cuộc họp báo hôm thứ tư, ông Lưu Đức Huân của Ủy ban Hoa Lục đã nhắc lại yêu cầu đòi Trung Quốc tháo gỡ các phi đạn này.
Tiến sĩ Trịnh Kế Văn cho rằng những áp lực quân sự của Trung Quốc, trong đó có việc bố trí phi đạn, là một chướng ngại lớn cho sự xích lại gần nhau giữa Đài Bắc với Bắc Kinh:
"Nói cho cùng thì hiện nay Trung Quốc đang bố trí hơn 1 ngàn phi đạn đạn đạo nhắm thẳng vào Đài Loan. Và điều này, theo tôi, làm cho Đài Loan khó lòng thực hiện những hành động có tính chất linh hoạt trong những vấn đề liên quan tới mối quan hệ với Trung Quốc. Áp lực quân sự của Trung Quốc quả là một chướng ngại rất lớn cho mối quan hệ này."
Trong khi đó, bạch thư quốc phòng của Trung Quốc cho rằng chướng ngại và đe dọa lớn nhất của mối quan hệ xuyên eo biển tiếp tục là những thế lực đòi độc lập cho Đài Loan, thường được gọi là phe Đài Độc. Văn kiện này cũng cho rằng việc Hoa Kỳ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan gây phương hại nghiêm trọng cho mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington và những nỗ lực phát triển quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Mặt khác, Đại tá Cảnh Nhạn Sinh của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Washington và Bắc Kinh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc phát triển các mối quan hệ quân sự. Nhưng ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không ngừng thực hiện những nỗ lực để xây dựng mối quan hệ quân sự tốt đẹp với Hoa Kỳ. Ông Cảnh cho biết thêm rằng Đại tướng Trần Bỉnh Đức, Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Trung Quốc, sẽ đến thăm Hoa Kỳ vào tháng 5 tới đây.
Chính phủ Đài Loan đã bác bỏ đề nghị đối thoại chính trị mà nhà cầm quyền Trung Quốc đưa ra trong bạch thư quốc phòng công bố tại Bắc Kinh hôm thứ 5. Các giới chức ở Đài Bắc nói rằng ưu tiên hiện nay của họ là giải quyết những vấn đề kinh tế với Trung Quốc và phải gác qua một bên việc thực hiện những hoạt động giao lưu trong lãnh vực quân sự. Họ cũng không quên lập lại yêu cầu đòi Trung Quốc gỡ bỏ hơn 1 ngàn phi đạn tầm ngắn nhắm vào đảo quốc này.