Phúc trình mới nhất của Trung Quốc về quân đội của họ mở đầu với việc nói về sự thay đổi trong cơ cấu quyền lực quốc tế và sự trỗi dậy của các nước đang phát triển – một sự việc mà các nhà phân tích nói rằng rõ ràng là muốn nói tới Trung Quốc.
Ông Abe Denmark, một chuyên gia về an ninh Á châu, nhận xét như sau:
"Họ tự xem họ như một nước đang trỗi dậy. Họ nhìn sự việc như đang diễn tiến theo chiều hướng thuận lợi cho họ, xét về khía cạnh của những sự thay đổi trong cán cân quyền lực toàn cầu. Và họ tự thấy rằng họ đang gặt hái những lợi ích của những khoản đầu tư lớn trong nhiều thập niên qua. Vì vậy điều chính yếu khiến tôi ngạc nhiên về bản phúc trình là sự tự tin đã được tỏ lộ một cách xuyên suốt trong toàn bộ văn kiện này."
Trung Quốc đã công bố tổng cộng 7 cuốn sách trắng về quốc phòng kể từ năm 1998.
Trong phúc trình mới nhất này, Bắc Kinh đã tìm cách giúp cho các nước khác hiểu biết nhiều hơn về lực lượng vũ trang của nước họ. Văn kiện này cũng đặt trọng tâm vào việc trình bày vấn đề là Trung Quốc mỗi ngày một phải đương đầu nhiều hơn với một loạt những thách thức về an ninh mà họ mô tả là “đa dạng và phức tạp.”
Ông Dean Cheng, một chuyên gia về an ninh Á châu của Quỹ Heritage ở Washington, nói rằng bạch thư quốc phòng năm nay của Trung Quốc nói tới các biện pháp xây dựng lòng tin và những hoạt động đối ngoại của quân đội.
Ông cho biết thêm rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc nói rõ về thứ tự ưu tiên trong việc mua sắm và chế tạo các loại trang thiết bị của các quân binh chủng.
Ông nói: "Tuy họ không đi sâu vào các chi tiết cụ thể, nhưng văn kiện này cho chúng ta thấy được một cách khái quát về những gì mà Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc định làm. Và họ nói rất rõ về sự kiện là công cuộc tăng cường quân lực của họ chưa tới hồi kết và đây là một nỗ lực đang tiếp diễn."
Hồi tháng trước, Trung Quốc loan báo ngân sách quốc phòng của họ trong năm nay sẽ tăng 13%, lên tới hơn 91 tỉ đô la.
Trung Quốc giải thích rằng họ gia tăng chi tiêu quân sự để hiện đại hóa quân đội và các kế hoạch của họ không đe dọa tới bất kỳ quốc gia nào. Họ cũng nói rằng ngân sách quốc phòng của họ còn thấp hơn của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, điều khiến cho các nhà phân tích và các chính phủ trên thế giới lo ngại không phải là Trung Quốc chi tiêu bao nhiêu tiền bạc cho Quân đội Giải phóng Nhân dân mà là mục tiêu của việc này là gì.
Ông Abe Denmark nhận định về vấn đề này: "Trung Quốc đang xây dựng một khả năng quân sự rất đáng kể, và họ có quyền làm như vậy. Bắc Kinh có thể chọn lựa đầu tư tiền bạc của họ vào bất kỳ chuyện gì mà họ muốn, kể cả đầu tư cho Giải phóng quân. Vấn đề không phải là Trung Quốc có trở thành một đại cường quân sự hay không mà vấn đề là họ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự đó như thế nào."
Ông Abe Denmark cho hay có một sự việc tích cực là Trung Quốc mới đây đã phái một khu trục hạm 6.000 tấn đến vùng biển ngoài khơi Libya để trợ giúp cho các hoạt động nhân đạo ở đó.
Tuy nhiên, cách hành sử của Trung Quốc trong những năm gần đây ở biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông và ở các vùng biển dọc theo duyên hải Trung Quốc đã gây ra những mối lo ngại cho các nước trong khu vực và Hoa Kỳ.
Ông Gabe Collins, người đồng sáng lập một trang web phân tích có tên là China SignPost, nói rằng một trong những điểm then chốt không thấy xuất hiện trong tất cả các cuốn sách trắng quốc phòng của Trung Quốc là những thông tin về năng lực.
Ông nói: "Nếu quí vị nhìn vào phúc trình của quân đội của những nước khác, như các phúc trình của Mỹ - phúc trình về cuộc duyệt xét tình trạng phân bổ lực lượng hạt nhân hay phúc trình về duyệt xét quốc phòng 4 năm một lần, quí vị sẽ thấy trong đó chẳng những có phần trình bày về một số các kế hoạch chiến lược và mục tiêu chiến lược mà còn có phần nói tới những năng lực cụ thể."
Ông Dean Cheng, chuyên gia phân tích an ninh Á châu, tán đồng nhận định vừa kể. Ông cho biết điều làm cho ông cảm thấy thú vị nhất trong bạch thư quốc phòng năm nay của Trung Quốc là những thông tin mà văn kiện này không hề đề cập tới.
Ông nói: "Chẳng hạn như họ không đề cập gì tới vấn đề biển Nam Trung hoa. Vấn đề này là một vấn đề lớn gây ra nhiều mối quan tâm và là một nguồn gây xích mích trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Thế mà không hề có dấu hiệu nào cho thấy vấn đề này nằm ở đâu trong khái niệm của Trung Quốc về các hoạt động quân sự. Họ cũng chẳng đề cập gì nhiều tới vấn đề chiến tranh trên mạng và chỉ nói sơ qua về vấn đề không gian."
Ông Abe Denmark cho rằng việc tiết lộ thêm thông tin về năng lực quân sự của Trung Quốc sẽ có ích cho việc xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau.
Ông nói tiếp: "Tôi nghĩ rằng nếu có được sự trình bày nhiều hơn về một số những khả năng mới của Trung Quốc, đặc biệt là trong lãnh vực không gian, và về những hệ thống có thể ngăn chận sự tiếp cận của địch thủ -- những thứ như hệ thống phi đạn đạn đạo chống chiến hạm, thì phúc trình này sẽ có giá trị nhiều hơn trong việc xây dựng lòng tin."
Nhà phân tích Abe Denmark cho biết ông không ngạc nhiên khi thấy bạch thư quốc phòng Trung Quốc không đề cập tới những vấn đề gây tranh cãi vì Bắc Kinh không tin rằng sự minh bạch về vấn đề quân sự là phù hợp với quyền lợi của họ.
Theo ông Denmark, sách trắng quốc phòng của Trung Quốc là một văn kiện phục vụ cho mục tiêu ngoại giao dân gian và tránh né những vấn đề có thể làm cho người khác nghĩ rằng Trung Quốc là nước có thái độ hung hãn.
Các nhà phân tích quân sự ở Mỹ cho rằng những thông tin trong bạch thư quốc phòng mà Trung Quốc phổ biến hồi gần đây đã cho thấy phần nào khả năng ngày càng tăng và tham vọng của Trung Quốc. Theo các chuyên gia, phúc trình công bố hai năm một lần này đưa ra hình ảnh của một quân đội ngày càng tự tin hơn nhưng không đề cập nhiều tới những đề tài gây tranh cãi – chẳng hạn như các hệ thống vũ khí mà Trung Quốc đang phát triển, các hoạt động của họ trong không gian ảo, và những tham vọng của họ trong không gian và ở biển Nam Trung hoa (Việt Nam gọi là biển Đông).
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1