Hôm thứ hai ngày 2 tháng 5 vừa qua, báo chí Trung Quốc loan tin chính phủ ở Bắc Kinh quyết định tăng mạnh lực lượng tuần dương để nâng cao khả năng bảo vệ an ninh biển. Tờ Trung Quốc Nhật Báo trích lời ông Tôn Thư Hiền, Phó Giám đốc Tổng đội Hải giám, thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, nói rằng lực lượng này sẽ thu dụng thêm 1000 nhân viên trong năm nay, nâng số nhân viên của Tổng đội Hải giám lên tới hơn 10.000 người. Ngoài ra, giới hữu trách cũng đề ra kế hoạch tăng thêm 36 chiếc tàu cho đội tàu hải giám trong 5 năm tới và các trang thiết bị mới sẽ được lắp đặt trên các tàu tuần dương để tăng cường khả năng chấp hành luật pháp.
Theo tường thuật của tờ Trung Quốc Nhật Báo, hiện nay Tổng đội Hải giám có khoảng 300 chiếc tàu các loại, trong đó có 30 chiếc có lượng choán nước trên 1 ngàn tấn, cùng với 10 chiếc phi cơ, trong đó có 4 chiếc trực thăng. Ông Tôn Thư Hiền nói rằng những hoạt động tuần tiểu cũng sẽ được thực hiện thường xuyên hơn trong năm nay để bảo vệ quyền lợi hải dương của Trung Quốc. Ông cũng cho biết Hải giám Trung Quốc đã có nhiều thành quả lớn trong năm 2010 với việc tăng thêm 12 tàu tuần tra, xây dựng thêm 6 chi nhánh chấp hành luật pháp, và xử phạt tổng cộng 116 triệu đô la các tàu thuyền vi phạm luật lệ trên biển của Trung Quốc.
Tin tức về kế hoạch tăng cường sức mạnh của Tổng đội Hải giám Trung Quốc được loan báo trong lúc căng thẳng ở Biển Đông tiếp tục nằm ở mức cao kể từ đầu tháng 3, khi xảy ra vụ đối đầu giữa Bắc Kinh với Manila gần quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa. Vụ này xảy ra sau khi các tàu bè và máy bay của Trung Quốc quấy nhiễu một chiếc tàu khảo sát địa chấn của Philippines hoạt động trong vùng biển gần hòn đảo mà Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa. Quân đội Philippines đã phái phi cơ và tàu chiến đến nơi để ứng phó với tình hình. Chính phủ ở Manila sau đó khẳng định quyết tâm tiến hành những hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền. Tổng thống Benigno Aquino cũng quyết định dùng 183 triệu đô la trong ngân sách của Bộ Năng lượng để tài trợ cho việc huấn luyện và bố trí binh sĩ trên những hòn đảo ở Trường Sa.
Bên cạnh những động thái vừa kể, chính phủ Philippines hồi đầu tháng tư cũng nộp hồ sơ lên Liên hiệp quốc để phản đối bản đồ của Trung Quốc công bố năm 2009, trong đó Bắc Kinh vẽ ra đường ranh 9 khúc đứt đoạn thường được gọi là đường lưỡi bò để giành chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông. Vụ xích mích giữa Trung Quốc với Philippines lại leo thang thêm nữa hồi trung tuần tháng tư, khi Trung Quốc gởi một văn thư cho Liên hiệp quốc để tố cáo Philippines “xâm lăng và chiếm cứ lãnh thổ của Trung Quốc”. Báo chí ở Philippines mới đây cho biết Tổng thống Aquino sẽ thảo luận về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông với các nhà lãnh đạo ASEAN tại cuộc họp thượng đỉnh diễn ra từ ngày 7 đến ngày 8 tháng 5 ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Một thông cáo của Bộ Ngoại giao ở Manila nói rằng ông Aquino sẽ bày tỏ mong muốn của Philippines về việc “thực thi đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về hành xử của các bên ở Biển Đông”. Trung Quốc và ASEAN đã ký kết văn kiện thường được gọi tắt là DOC và không có tính cưỡng hành này vào năm 2002.
Cũng vào trung tuần tháng tư, không lâu sau khi Philippines phản đối Trung Quốc tại Liên hiệp quốc, chính phủ Đài Loan cho biết các binh sĩ thuộc lực lượng tuần duyên của họ trú đóng ở Trường Sa sẽ được huấn luyện để tiến hành những hoạt động tác chiến trên biển và ngăn ngừa những vụ tấn công đổ độ của những nước khác. Giới hữu trách Đài Bắc cũng chấp thuận một kế hoạch của Bộ Quốc phòng nhằm đưa thêm tới Trường Sa nhiều xe thiết giáp và một số lượng lớn súng ống và đạn dược.
Nếu kế hoạch này được triển khai vào tháng 5 và tháng 6 như đã được loan báo, đây sẽ là lần đầu tiên Đài Loan có binh sĩ sẵn sàng ứng chiến trú đóng ở Trường Sa kể từ năm 2000. Trước đây, chính phủ ở Đài Bắc cũng phái binh sĩ đồn trú ở Trường Sa, nhưng vào năm 2000 Tổng thống Đài Loan lúc đó là ông Lý Đăng Huy đã quyết định thay thế lực lượng quân đội bằng nhân viên tuần duyên với hy vọng làm giảm bớt căng thẳng trong khu vực.
Về phần Việt Nam, là nước đã cùng với Trung Quốc và Đài Loan tranh giành chủ quyền toàn bộ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giới hữu trách mới đây đã cho tiến hành việc bỏ phiếu sớm để bầu quốc hội tại những khu vực biển đảo đang có tranh chấp. Những hành động tương tự của Việt Nam trước đây đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Trung Quốc vì cho là vi phạm chủ quyền của họ.
Các nhà quan sát cho biết trong thời gian gần đây báo chí do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam đã cho đăng nhiều bài viết hơn về những vấn đề liên quan tới chủ quyền biển đảo, và cuộc hội thảo quốc gia lần thứ nhì về Biển Đông đã được tổ chức tại Hà Nội hồi hạ tuần tháng tư vừa qua, qui tụ hơn 80 học giả và các nhà nghiên cứu trong nước. Vài ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong chuyến thăm Việt Nam của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân, hai chính phủ đã đồng ý là sẽ nhanh chóng ký kết một thỏa thuận về các nguyên tắc chỉ đạo cơ bản cho việc giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền trên biển. Tuy nhiên, thời gian ký kết hiện chưa được xác định và các cuộc thương lượng vẫn đang tiếp diễn.
Chính phủ Trung Quốc mới đây đã loan báo kế hoạch tăng mạnh lực lượng tuần dương để ứng phó với những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Hoàng Hải và biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông. Kế hoạch của Tổng đội Hải giám Trung Quốc nhằm thu dụng thêm 1 ngàn nhân viên trong năm nay và mua thêm 36 chiếc tàu trong 5 năm tới được loan báo hôm thứ hai trong lúc căng thẳng ở Biển Đông tiếp tục nằm ở mức cao kể từ đầu tháng 3, khi xảy ra vụ đối đầu giữa Bắc Kinh với Manila gần quần đảo Trường Sa.