Đường dẫn truy cập

Dư luận kêu gọi Trung Quốc minh bạch trong các dự án thủy điện


Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử tại Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc
Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử tại Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

Những nhà hoạt động bảo vệ môi trường nói Trung Quốc cần minh bạch hơn khi đang nhanh chóng mở rộng các chương trình thủy điện trong nước và quốc tế. Việc kêu gọi cởi mở được 2 tổ chức phi chính phủ có thế lực đưa ra hôm thứ Ba giữa lúc có những chỉ trích về chương trình xây đập gây tranh cãi của Trung Quốc trên những con sông bắt nguồn từ vùng Himalaya. Theo tường trình của thông tín viên Peter Simpson gởi về từ Bắc Kinh, các nước Đông Nam Á không phải chỉ là những quốc gia duy nhất lo ngại một nước Trung Quốc nhiều khát vọng có thể gây ra những thiên tai, gây tổn hại môi trường, làm ngơ trước vần đề nhân quyền và đổi hướng nguồn nước cung cấp.

Việc Trung Quốc gia tốc các chương trình xây đập trên mỗi con sông lớn bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng gây nên những lo sợ tại các thị trấn và thủ đô các nước châu Á từ Pakistan đến Việt Nam.

Tuy nhiên những ngân hàng Trung Quốc và những công ty xây dựng các nhà máy thủy điện cũng gây nên những mối quan tâm tại những phần đất khác trên thế giới như châu Phi nơi các doanh nghiệp này can dự vào những dự án để kiếm lời.

Ông Peter Bosshard là giám đốc chính sách của tổ chức phi chính phủ về môi trường International Rivers (Những Con sông Quốc tế). Ông nói trong khi những ngân hàng đầu tư lớn của Trung Quốc như ICBC nhận là có trách nhiệm về môi trường và xã hội, những xí nghiệp nhỏ khác của Trung Quốc lại tỏ ra thiếu thận trọng hơn.

Ông Bosshard nói: “Chúng ta thấy những động thái của những công ty lớn nhưng những công ty nhỏ, có thể là những công ty do nhà nước có phần sở hữu rất lớn hay là những công ty tư nhân, có khuynh hướng che dấu giữa những công ty hàng đầu trên thị trường.”

Dù Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất làm gián đoạn dòng chảy của những con sông bắt nguồn từ rặng Himalaya, thái độ thiếu minh bạch của Trung Quốc và việc nước này từ chối chia sẻ hầu hết những dữ liệu về nguồn nước và những dữ kiện khác lại càng làm tăng thêm mối ngờ vực của các nước khác.

Hơn nữa, Trung Quốc trong thập niên qua là nước khống chế lãnh vực thủy điện toàn cầu.

Một con đập khác gây báo động rộng lớn là Đập Gibe III trên sông Omo tại Ethiopia. Việc xây đập này được ngân hàng Trung Quốc ICBC tài trợ.

Các nhà bảo vệ môi trường nói nếu được hoàn tất con đập này sẽ hủy hoại hệ sinh thái và kế sinh nhai của những cư dân địa phương tại phía dưới thung lũng Omo ở Ethiopia và hồ Turkana tại nước láng giềng Kenya.

Ông Bosshard nói những ngân hàng quốc tế khác đã từ chối tài trợ cho dự án này.

Ông nói: “Những dự án này vẫn được tiến hành và những công ty Trung Quốc không đáp ứng những mối quan tâm của các xã hội dân sự. Vẫn còn có một văn hóa với rất ít minh bạch và tham khảo. Chúng tôi thấy có một hướng dẫn mới của Quốc Vụ Viện vào tháng 12 năm ngoái về vấn đề tham nhũng khi cơ quan này nói là mặt trời chiếu sáng là việc khử trùng tốt nhất, và minh bạch đem lại sự giám sát quyền lực hữu hiệu nhất. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của chúng tôi trong những dự án như vậy, chúng tôi thấy hoàn toàn vẫn còn thiếu sự minh bạch và tham khảo, đặc biệt với những tổ chức xã hội dân sự tại nước chủ nhà là những quốc gia cần được tiếp cận nhiều nhất.”

Ông Bosshard nói trong số hơn 260 dự án của Trung Quốc trên toàn thế giới, chỉ có một dự án tại Bắc Triều Tiên là có vẻ như có lợi cho dân chúng địa phương.

Chính tại Đông Nam Á nơi Trung Quốc cần rất nhiều nước thì ảnh hưởng của quốc gia này đối với môi trường được cảm nhận rõ ràng nhất.

Những cộng đồng địa phương và các nhà hoạt động môi trường lo ngại là những con đập sẽ gây ra thiên tai, làm xuống cấp hệ sinh thái mong manh như là nguồn cung cấp cá và làm chệch hướng nguồn cung cấp nước của các con sông tại khu vực đông dân nhất cũng như cần nước nhất của thế giới.

Chỉ trên 8 dòng sông lớn của Tây Tạng mà thôi đã có gần 20 con đập đã hay đang được xây dựng trong khi đó có thêm chừng 40 con đập được dự trù hay được đề nghị xây trong tương lai.

Trung Quốc cực lực phủ nhận việc vô trách nhiệm của họ trong vấn đề xây dựng các con đập.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Bắc Kinh luôn luôn quan tâm đến các quốc gia hạ nguồn khi chọn những dự án xây đập và không bao giờ làm hại cho quyền lợi của các nước này.

Ông Hồng Lỗi nói Trung Quốc quan tâm nhiều đến ảnh hưởng của những dự án này có thể có đối với các nguồn tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái và xem xét những mối quan tâm của các quốc gia hạ nguồn.

Ông nói Trung Quốc là một quốc gia thượng nguồn có trách nhiệm và sẽ không bao giờ làm hại đến lợi ích của các nước hạ nguồn.

Một số các nhà phân tích và những người bảo vệ môi trường nói đến nước như là một lý do làm phát khởi chiến tranh hay là một thứ vũ khí mạnh trong mặt trận ngoại giao trong tương lai.

Ông Bosshard nói một đe dọa như vậy là giả thuyết và là giải pháp mạnh cuối cùng cho Bắc Kinh. Tuy nhiên ông nói thêm một khi hoàn tất, Trung Quốc có thể sử dụng những con đập này bất cứ cách gì mà họ chọn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG