Đường dẫn truy cập

Lào đối đầu với các nước láng giềng về đập xây trên sông Mekong


Một ngư dân đánh cá gần nơi Lào dự định xây đập Xayaburi ở Paksey, phía bắc Lào
Một ngư dân đánh cá gần nơi Lào dự định xây đập Xayaburi ở Paksey, phía bắc Lào

Các nước dọc theo sông Mekong đã bất đồng với Lào về đề nghị xây dựng đập thủy điện đầu tiên trên dòng chảy chính ở hạ lưu sông. Lào nói con đập sẽ không gây ra các vấn đề nghiêm trọng, trong khi các nước láng giềng thì cho rằng cần phải có thêm thông tin về tác động môi trường và kinh tế của con đập này.

Các đại biểu của Lào, Kampuchea, Thái Lan và Việt Nam hôm nay đã hoãn một quyết định về kế hoạch của Lào nhằm xây một đập thủy điện trên hạ lưu sông Mekong.

Tại một cuộc họp của Ủy ban sông Mekong MRC tại thủ đô Vientiane của Lào, Lào nhấn mạnh sẽ xúc tiến việc xây đập Xayaburi, và nói rằng kế hoạch này theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế.

Phái đoàn Lào nói có phần chắc đập này sẽ không ảnh hưởng đến môi trường của các nước láng giềng.

Tuy nhiên, ông Te Navuth, chủ tịch Ủy ban Liên hiệp MRC, nói rằng Kampuchea, Thái Lan và Việt Nam có những nghi ngại.

Ông Te Navuth nói 3 nước muốn có thêm thông tin trong khi Lào muốn hoàn tất tiến trình trong 6 tháng.

Kampuchea, Thái Lan và Việt Nam muốn có một thẩm định toàn diện về các ảnh hưởng xuyên biên giới về mặt môi trường.

Bốn nước vừa kể đồng ý tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng vào cuối năm nay để đi đến một thỏa thuận. Theo ủy ban, 4 nước láng giềng này sẽ hội ý với nhau về các dự án dọc theo sông, nhưng không cần được phép của nhau.

Việt Nam là nước chỉ trích dự án nhiều nhất và đề nghị rằng tất cả các dự án về những đập nước trên dòng chính của sông Mekong phải được đình lại trong ít nhất 10 năm.

Kampuchea và Việt Nam lo ngại về đập này, là một trong 11 đập được hoạch định xây trên sông Mekong, có thể ảnh hưởng đến sản lượng gạo và nguồn cá. Một cuộc khảo cứu của ủy ban kết luận rằng đập sẽ ảnh hưởng đến luồng di chuyển của cá và có thể đưa đến chỗ tuyệt giống các loại cá như cá tra khổng lồ ở sông Mekong.

Thái Lan nêu ra những lo ngại về sự bền vững của dự án trị giá 3 tỷ rưỡi đôla.

Theo dự kiến, dự án này sẽ sản xuất 1260 megawatt điện, 95 phần trăm trong số này sẽ được bán cho Thái Lan.

Nhưng một phúc trình của ủy ban nói đập này có thể mất đi tới 60 phần trăm năng suất hoạt động trong 30 năm vì phù sa tích lại trong hồ chứa nước.

Khoảng 60 triệu người lệ thuộc vào sông Mekong để làm kế sinh nhai.

Là một nước nghèo nằm kẹt trong đất liền và đặt dưới sự cai trị của một đảng Cộng sản, Lào nói rằng đập nước này là cần thiết để gây thu nhập.

Các đập duy nhất xây trên kênh chính của sông Mekong cho đến nay nằm ở vùng thượng nguồn bên Trung Quốc, nơi con sông được gọi là sông Lancang.

Bắc Kinh đã xây 4 đập nước mà không tham khảo ý kiến các nước láng giềng và dự định xây thêm 4 đập nữa trong thập niên tới đây.

Tình trạng bế tắc diễn ra sau các tin tức trong tuần này nói rằng Lào bắt đầu xây đường hồi năm ngoái để xúc tiến dự án.

Ông Te Navuth nói ủy ban đã yêu cầu Lào giải thích sự việc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG