Trên danh nghĩa đây là một cơ quan của các nhà lập pháp được nhân dân chọn và phục vụ nhân dân, nhưng các nhà phân tích nói rằng trong thực tế, Đảng Cách Mạng Nhân Dân Lào đương quyền, một loại cộng sản, chỉ chọn ứng cử viên nào phục vụ cho quyền lợi của đảng.
Giáo sư Martin Stuart-Fox là một chuyên gia về Lào tại Trường Đại Học Queensland ở Australia. Ông nói:
“Tuyệt đại đa số những ứng cử viên là thành viên của đảng. Một số ít ứng cử viên độc lập được phép ra tranh cử nhưng họ phải được đảng chấp nhận.”
Giáo sư Stuart-Fox nói vai trò của Quốc Hội là để giúp cho đảng có được chính danh của một chế độ gọi là dân chủ. Ông nói dù Quốc Hội có nghĩa vụ thông qua các đạo luật và chọn lựa các nhà lãnh đạo, nhưng danh sách những ai phục vụ đã được đảng quyết định sẵn. Vì thế, tất cả những gì Quốc Hội làm chỉ đơn giản là chấp nhận những quyết định mà đảng đã thực hiện.
Tuy nhiên, ông Stuart-Fox nói đảng này đã cho phép thay đổi chút ít trong những cuộc thảo luận nội bộ của Quốc Hội.
Ông nói rằng, mặc dầu trong quá khứ không có cuộc tranh luận thật sự về vấn đề nào cả, nhưng hiện giờ thì Quốc Hội, thỉnh thoảng cũng giải quyết một số vấn đề như tham nhũng, một quan tâm ngày càng lớn. Ông nói:
“Tham nhũng đã được tranh luận trong phạm vi quốc hội mà không thấy nêu tên những ai tham nhũng và, dĩ nhiên, không thấy có ai bị truy tố. Nhưng sự kiện đó tỏ dấu hiệu là chính phủ không an tâm về mức độ tham nhũng.”
So sánh với các nước láng giềng tại Đông Nam Á, Lào là một nước nhỏ và nghèo; nhưng kinh tế Lào đang tăng trưởng nhanh chóng, chủ yếu là bán các khoáng sản và thủy điện.
Số tiền bạc đổ vào và sự tập trung quyền lực đã tạo cơ hội cho tham nhũng.
Nhưng người dân bình thường ở Lào cũng thấy được hưởng lợi khi có nhiều đầu tư và doanh thương nên không có nhiều người thắc mắc về tính cách chánh đáng của đảng.
Ông kết luận: bao lâu mà kinh tế có tăng trưởng, đảng tiếp tục nhấn mạnh đó là do công của đảng.
Lào sẽ bầu cử quốc hội vào cuối tuần này và ít có ai nghi ngờ về kết quả vì các ứng cử viên đều do đảng quyết định.