Trong tuần này, Trung Quốc và Ethiopia đã ký một thỏa thuận cho vay và viện trợ trị giá 12,4 triệu đôla. Các thông tấn xã nhà nước Ethiopia trích thuật lời Thủ tướng Meles Zenawi nói rằng khoản viện trợ 7,8 triệu và khoản cho vay 4,6 triệu là quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch kinh tế ngũ niên của đất nước đang gặp nhiều khó khăn này.
Đối với thứ trưởng thương mại Phụ Tự Ánh của Trung Quốc, việc ký thỏa thuận vừa kể là một trong một loạt các cuộc ký kết trong chuyến đi khắp châu Phi. Chuyến đi này diễn ra sau những chuyến đi thăm châu lục này của nhiều giới chức cấp cao khác của Trung Quốc.
Cả Ngoại trưởng Dương Khiết Trì lẫn Phó thủ tướng Vương Kỳ Thâm đều đã đi thăm châu lục này hồi đầu năm nay và ký nhiều thỏa thuận đầu tư. Tin cho hay cả hai giới chức đã ghé qua Zimbabwe, dành những khoản viện trợ và cho vay hàng chục triệu đôla cho quốc gia giầu khoáng sản nhưng kinh tế bị suy thoái này.
Các chuyến đi đã nêu bật ảnh hưởng đang bành trướng nhanh chóng của Trung Quốc ở châu Phi, và khơi ra những mối quan ngại rằng Bắc Kinh đang thực thi một sách lược nhằm thống trị bối cảnh kinh tế trên khắp châu lục này.
Sau lễ ký kết ở Addis Ababa, thứ trưởng Phụ đã gặp các giới chức thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, trong đó có đại diện của các nước ngoài cấp viện, các tổ chức phi chính phủ và các phóng viên.
Phát biểu qua một thông dịch viên, ông Phụ kêu gọi những người tại cuộc họp chớ nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào lúc Trung Quốc đang lèo lái trên con đường khó khăn từ một nước nghèo đang phát triển qua một cường quốc kinh tế. Ông nêu ra rằng sản lượng tính theo đầu người của Trung Quốc ước chừng 4000 đôla một năm, chỉ bằng 1/10 so với Hoa Kỳ.
Thứ trưởng thương mại Trung Quốc nói rằng Trung Quốc vẫn còn là một nước đang phát triển. Theo các tiêu chuẩn về nghèo khó của Liên Hiệp Quốc, là 1,25 đôla một ngày, thì Trung Quốc có tới 200 triệu người sống dưới mức nghèo khó. Một mặt Trung Quốc có một vài khu vực đô thị gây ấn tượng mạnh như Thượng Hải và Bắc Kinh, nhưng mặt khác, các khu vực nông thôn tại một số vùng ở trung và tây bộ Trung Quốc vẫn còn kẹt trong tình trạng nghèo khó.
Vị thứ trưởng này cũng bác bỏ các gợi ý cho rằng sách lược của Trung Quốc là một hình thức mới của chế độ thực dân, nhắm khóa chặt các tài nguyên mỏ và năng lượng của châu Phi trong các khung giá rẻ mạt. Ông đã viện dẫn chuyến thăm Mali nghèo tài nguyên ở Tây Phi.
Vẫn qua lời người thông dịch, giới chức của Trung Quốc nói rằng có người đề cập đến chuyện Trung Quốc đến châu Phi chỉ vì tài nguyên thiên nhiên. Ông cho rằng đã có một vài sự hiểu lầm. Mọi người sẽ thấy rằng Trung Quốc đầu tư nhiều vào các khu vực ngoài khu vực năng lượng. Ông nói ông tin là Mali không có nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng là một đối tác phát triển quan trọng với Trung Quốc.
Một bản phúc trình mới đây của Ngân hàng Phát triển Phi châu nói rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của châu Phi đã gia tăng với tỷ lệ trung bình là 46% một năm trong thập niên vừa qua. Đồng thời, lượng xuất khẩu của châu Phi qua Trung Quốc đã tăng gấp đôi.
Phúc trình của Ngân hàng nói rằng dầu thô chiếm khoảng 70% các mặt hàng châu Phi xuất qua Trung Quốc, phần lớn của hai nước là Angola và Sudan. 15% trong tổng số hàng xuất là khoáng sản.
Châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của châu Phi, nhưng thị phần đã sụt giảm từ 50% cách đây 2 thập niên xuống chỉ còn 30% hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Phụ Tự bênh vực hiện tượng Trung Quốc bành trướng nhanh việc can dự vào châu Phi trước những lời chỉ trích gọi đó là một cuộc “xâm lăng” kinh tế. Từ Addis Ababa, một trong những thủ đô mà giới chức này đã đi thăm trong chuyến công du các nước Phi châu, Thông tín viên VOA Peter Heinlein gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1