Đường dẫn truy cập

Cảnh sát Myanmar trấn áp sinh viên biểu tình


Cảnh sát trang bị dùi cui rượt đuổi sinh viên biểu tình tại Letpadan, 140km về phía bắc Yangon, Myanmar.
Cảnh sát trang bị dùi cui rượt đuổi sinh viên biểu tình tại Letpadan, 140km về phía bắc Yangon, Myanmar.

Hôm nay, cảnh sát chống bạo động ở Myanmar đã tấn công sinh viên biểu tình, chấm dứt mưu toan tiến vào Yangon để phản đối dự luật về giáo dục. Từ văn phòng Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Cảnh sát trang bị bằng dùi cui tại Letpadan đã giải tán khoảng 200 người biểu tình, chủ yếu là sinh viên và các tăng sĩ có thiện cảm với người biểu tình. Một số lãnh tụ sinh viên đã bị bắt giữ, tạm ngưng cuộc giằng co đã kéo dài gần 1 tuần lễ.

Phát biểu với đài VOA, lãnh tụ biểu tình Thiha Win Tin cho hay ít nhất tổng cộng 32 người đã bị bắt giữ. Anh nói một số sinh viên đã bị đánh bằng dùi cui và gạch và bị chảy máu đầu.

Một phóng viên tại hiện trường làm việc cho đài Tiếng nói Dân chủ Miến Điện DVB cho hay các tăng sĩ Phật giáo cũng nằm trong số người bị bắt giữ.

Từ nhiều ngày, người biểu tình đã bị chận đằng sau những rào cản bằng gỗ và dây thép gai do cảnh sát dựng lên. Trước đó trong ngày hôm nay, các cuộc thương lượng đã được tiến hành để cho phép sinh viên tiếp tục cuộc diễu hành, cách Yangon 140 kilomet về hướng bắc.

Nhưng nhiếp ảnh gia Neyein Chan Naing làm việc cho Cơ quan Nhiếp ảnh Báo chí Âu Châu EPA có mặt tại hiện trường nói rằng thoả thuận đã tan vỡ.

“Các sinh viên biểu tình tìm cách phá lằn ranh của cảnh sát và cảnh sát đã chống lại sinh viên biểu tình. Bỗng dưng có ai ném một chai nước hoặc vật gì đó, thế là bạo động bắt đầu.”

Người ta cũng thấy cảnh sát phá chiếc xe chở loa phóng thanh của nhóm biểu tình và tấn công một xe cứu thương có một số người biểu tình núp ở bên trong.

Nhiếp ảnh viên của EPA nói các ký giả ban đầu không bị ngăn cản nhưng sau đó cũng biến thành mục tiêu của cảnh sát.

“Họ cũng tìm cách tấn công các ký giả. Họ la hét chúng tôi ‘các ký giả cũng phải lui ra! Quý vị không thể ở lại đây. Họ tìm cách dùng dùi cui bằng cao su để đánh các ký giả vì thế chúng tôi phải tháo chạy.”

Cơ quan tin tức Irawaddy trích dẫn lới một trong các phóng viên nhiếp ảnh của họ mô tả một “sự phá vỡ hoàn toàn kỷ luật của cảnh sát” với một nhóm nhân viên an ninh tìm cách ngăn chặn một nhóm khác tấn công bừa bãi người biểu tình.

Những người chứng kiến cho hay nhà chức trách còn vào những căn nhà ở gần đó để truy lùng những người chạy trốn.

Sinh viên đại học ở Myanmar, tức Miến Điện, thỉnh thoảng lại tổ chức các cuộc biểu tình trong nhiều tháng qua chống lại một bộ luật giáo dục được chấp thuận hồi năm ngoái. Họ cho rằng bộ luật này bóp nghẹt tự do học thuật. Sinh viên còn muốn chính phủ phải dành nhiều tiền hơn cho giáo dục và cho phép họ thành lập các liên đoàn sinh viên và phân khoa.

Cho đến nay, các cuộc biểu tình tương đối không có bạo động. Nhưng sự tình bắt đầu thay đổi hôm thứ năm tuần trước khi cảnh sát với sự yểm trợ của phòng vệ dân sự đeo băng tay màu đỏ, giải tán một cuộc tụ tập ủng hộ sinh viên ở trung tâm Yangon. Người biểu tình nói cảnh sát đã dùng dùi cui chống lại họ và bắt giữ những người khác, sau đó đã được trả tự do.

Người ta ngày càng lo sợ rằng nhà chức trách ở Myanmar có thể quyết định trở lại các biện pháp gay gắt hơn nhắm vào không những sinh viên biểu tình mà cả các công nhân nhà máy đã đình công đòi tăng lương.

Các nhà lãnh đạo quân đội năm 1988 đã trấn áp tàn bạo các vụ biểu tình. Mặc dầu một chính phủ cải cách đã tiếp quản vào năm 2011, chấm dứt gần nửa thế kỷ quân trị, quân đội vẫn đóng một vai trò nhiều thế lực trong chính phủ.

Hành động của cảnh sát đối với sinh viên diễn ra một ngày sau khi một thanh tra của Liên Hiệp Quốc công bố một bản phúc trình cảnh báo rằng Myanmar đang rơi trở lại vào tình trạng xung đột vì chính phủ không giữ những lời hứa bảo vệ nhân quyền.

Bà Yanghee Lee, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Myanmar đã viết rằng “sự sợ hãi, mất tin tưởng và thù nghịch” đang lan tràn ở bang Arakan, nơi sinh cư của những người Rohingya phần lớn theo Hồi giáo.

Phúc trình của bà còn khiển trách lực lượng an ninh Myanmar về việc tiếp tục tuyển mộ trẻ em và sử dụng đạn thật chống lại những người biểu tình phản đối một dự án mỏ đồng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG