Những chọn lựa về thời trang của đàn ông và phụ nữ Myanmar gây chú ý cho bất cứ du khách nào đến quốc gia ở Đông Nam Á này.
Đa số phụ nữ và thiếu nữ, bất kể tuổi tác, thường trang hoàng lên má bằng một thứ kem màu trắng ngà rất đặc biệt, gọi là thanaka.
Nam giới già trẻ cũng thường dùng một mỹ phẩm làm bằng vỏ cây nghiền ra nhưng đa số nổi bật đối với người nước ngoài ở phục trang: chiếc longyi, là tấm vải in hình ống dài hai mét choàng quanh bụng. Phụ nữ cũng choàng chiếc longyi với thiết kế hoa hoè hơn so với nam giới và thắt nút trên chiếc thắt lưng màu đen ở bên cạnh, trong khi các ông thì thắt nút ngay phía trước.
Cả chiếc longyi lẫn kem thanaka dường như phù hợp với khu vực có độ cao thấp ở nước này, nơi ngay cả trong tháng mát nhất là tháng Giêng thì nhiệt độ trung bình cũng vào khoảng 25 độ bách phân.
Nhưng vào một thời điểm mà sự mở cửa chính trị và kinh tế của Myanmar đem lại thời trang tây phương hợp túi tiền cho đại chúng, thì liệu các xu hướng thời trang độc đáo như vừa kể có còn tồn tại được nữa hay không?
Không phải mọi truyền thống thời trang ở đây đều bám rễ sâu.
Chiếc longyi là một ‘mốt’ tương đối mới đây, và trở nên phổ biến trong thời thuộc địa Anh và được cho là do những di dân từ miền nam Ấn du nhập, mặc dầu nó cũng rất giống với một loại sarong của Mã Lai.
Thanaka, thường làm bằng thân cây táo (có tên khoa học là limonia acidissima) có một lịch sử truyền kỳ hơn, được cho là đã được phụ nữ ở Miến Điện sử dụng từ hơn 2.000 năm và được quảng bá là một chất diệt trùng, để trị mụn và chữa lành các vết thương.
Cô Aye Thandar Aung, 25 tuổi, bán hàng rong ở Yangon, giải thích: “Nó làm cho mặt tôi có cảm giác mát mẻ dưới trời nắng nóng gắt. Cha mẹ tôi đã bôi nó lên mặt tôi từ lúc mới sinh ra. Vì thế tôi tiếp tục bôi thanaka.”
Cô bán hàng rong 25 tuổi này nói cô không dùng bất cứ mỹ phẩm hay kem bôi mặt nào khác vì da của cô bị dị ứng với mỹ phẩm nước ngoài.
Nhà thiết kế thời trang May Myat Warso khẳng định rằng thanaka “thích hợp đặc biệt với da của người Myanmar bởi vì khí hậu nóng bức ở đây và nó làm cho ta có cảm giác mát mẻ.”
Cô nói để đi làm thì bà sử dụng mỹ phẩm Tây phương nhưng, “Tôi luôn bôi thanaka khi về đến nhà.”
Thanaka nay được bán sẵn trong những hũ và ống plastic, nhưng nhiều phụ nữ vẫn thích tự làm lấy. Họ thường nghiền theo một chiều xoay những cành và khúc cây nhỏ trên một cái cối đá phẳng, thêm một chút nước để làm thành chất lỏng màu vàng sữa rồi bôi ngay lên mặt hay cánh tay.
Trên má, thanaka thường được bôi theo vòng tròn nhưng một số người dùng kiểu cách hơn lại dùng những dụng cụ bằng lá cây để tạo ra những mẫu mã.
Tại quầy bán của cửa hàng mỹ phẩm Mon trong thương xá Yuzana ở Yangon, cô bán hàng Kha Yay, 22 tuổi, nêu ra sự thay đổi các khuynh hướng với “đa số thiếu nữ nay dùng mỹ phẩm. Một số dùng mỹ phẩm chung với thanaka.”
Mặc dầu cô bán mỹ phẩm của Tây phương, cô vẫn bôi thanaka trên đôi má, với mùi hương từa tựa như mùi trầm.
Cô nói, “Tôi đi làm rất sớm và không có đủ thời giờ để trang điểm.”
Ở tầng dưới cửa hàng mỹ phẩm trong Thương xá Yuzana, bà Aung Zin quản lý một cửa hàng bán đồ Levi’s giả và các hàng jeans mang nhãn nổi tiếng cũng giả làm ở Trung Quốc.
Quần jeans, với giá khoảng 20 đôla, chỉ đắt hơn một chút so với một chiếc longyi, thường được dệt truyền thống ở nhà nhưng nay được mua từ các cửa hàng.
Người quản lý cửa hàng đồ jeans tiên đoán, “Chúng tôi vẫn sẽ mặc longyi cho những dịp đặc biệt, như đến các đền chùa, vì thế mà longyi sẽ không bao giờ biến mất.”
Ông Maung Maung ở tầng dưới cửa hàng bán đồ jeans đồng ý như vậy. Ông là người chủ thuộc thế hệ thứ hai của cửa hàng longyi Mya Nilar.
Ông giải thích, “Tôi cảm thấy thoải mái khi mặc longyi hơn là mặc quần jeans hay quần thường. Longyi đặc biệt thích hợp với khí hậu Myanmar. Đó là lý do vì sao phần lớn các ông ở đây thích mặc longyi.”
Ông nói tiếp: “Quần jeans đã trở nên phổ biến ở Myanmar trong 10 năm vừa qua. Và tôi vẫn thường nghĩ rằng longyi sẽ biến mất. Nhưng cho đến giờ này, điều đó vẫn chưa xảy ra và loại trang phục này sẽ tồn tại mãi mãi như một quốc phục của chúng tôi.”
Cửa hàng của ông cũng bán longyi bằng lụa để dành cho những dịp đặc biệt.
Nhà thiết kế May Myat Warso của cửa hàng thời trang Happy Heart nói cô thấy đàn ông mặc longyi trông hấp dẫn hơn.
Cô tin rằng thanaka và longyi rất duyên dáng và “chắc chắn” có thể trở thành thời trang ở phương Tây với các kiểu mẫu luôn thay đổi. Nhưng những người khác ở đây tự hỏi trong tình hình Myanmar mới đây nổi lên từ nhiều thập niên gần như cô lập dưới chế độ quân trị, thì các phong tục cổ truyền sẽ kéo dài được đến mức độ nào.