Đường dẫn truy cập

Chính quyền Myanmar yêu cầu công nhân chấm dứt đình công


Công nhân Myanmar tại xưởng sản xuất giày dép Tai Yi do Trung Quốc sở hữu hô khẩu hiệu trong cuộc đình công trong khu công nghiệp Hlaing Thar Yar, ngày 19/2/2015.
Công nhân Myanmar tại xưởng sản xuất giày dép Tai Yi do Trung Quốc sở hữu hô khẩu hiệu trong cuộc đình công trong khu công nghiệp Hlaing Thar Yar, ngày 19/2/2015.

Bên ngoài thành phố chính Yangoon của Myanmar, các khu công nghiệp đã trở thành tâm điểm của một phong trào lao động mới chớm. Đây là nơi hàng ngàn người bắt đầu đình công từ đầu tháng này để đòi tăng lương gấp đôi, đòi được tăng lương sau khi làm việc cho cùng một công ty hơn một năm, và đòi để cho các công đoàn được đóng góp ý kiến về các luật lệ công nghiệp. Vụ giằng co đã trở nên căng thẳng hơn từ thứ 6 tuần trước, khi cảnh sát tới nơi để tìm cách phá vỡ những cuộc biểu tình ngồi lỳ, dẫn tới những vụ xô xát gây thương tích cho những người của cả hai phía. Thông tín viên VOA Steve Herman của đài VOA tường thuật từ địa điểm biểu tình.

Bộ Lao động Myanmar cảnh báo hàng vạn công nhân đình công rằng giới hữu trách sẽ có hành động chống lại họ nếu họ không quay lại làm việc.

Trong một thông cáo trên đài truyền hình nhà nước hồi tối thứ hai, Bộ Lao động nói rằng những hành động của công nhân trong vụ tranh chấp này có tính chất bạo lực, gây thiệt hại cho lợi nhuận của doanh nghiệp, làm tổn hại cho hình ảnh của đất nước và khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài không muốn đến Myanmar làm ăn.

Các tổ chức của người lao động cho biết 30 người đã bị chính quyền bắt đi, trong đó có 20 người tới nay vẫn chưa biết bị giam ở đâu. Những người này làm việc tại các xưởng phần lớn do những công ty của Trung Quốc điều hành, tại các liên doanh với những đối tác Myanmar, trong đó có một số có liên hệ mật thiết với quân đội Miến Điện.

Các công nhân không tán đồng quan điểm đó, và những người làm việc cho ba công ty E-Land Myanmar, Ford Glory Garment và Costec International ở thị trấn Shwepyitha tiếp tục cố thủ dọc theo một dường mương hôi thối, đầy giẫy rác rưởi bên cạnh công xưởng của hãng E-Land.

Cô Moh Moh Lwin, 18 tuổi, một công nhân của E-Land đang đình công, cho biết:

"Chính phủ không hề ủng hộ cho chúng tôi. Họ chỉ bảo vệ cho những người chủ xưởng. Không ai về phe chúng tôi, ngoại trừ những người dân bình thường. Ngay cả chính quyền địa phương cũng về phe của các công xưởng. Chúng tôi nghe nói các công xưởng hối lộ cho cảnh sát để họ hành hung chúng tôi."

Khoản tiền từ 15 tới 20 đô la mỗi tháng mà thiếu nữ này gởi về làng trong vùng Magway ở miền trung góp phần nuôi sống cha mẹ và 3 đứa em của cô.

Tại các khu công nghiệp lụp xụp, các công xưởng thường thuê những cô gái nhỏ tuổi với mức lương chưa đầy một đô la rưỡi/ngày.
Tại các khu công nghiệp lụp xụp, các công xưởng thường thuê những cô gái nhỏ tuổi với mức lương chưa đầy một đô la rưỡi/ngày.

Tại các khu công nghiệp lụp xụp, các công xưởng thường thuê những cô gái nhỏ tuổi với mức lương chưa đầy một đô la rưỡi/ngày. Những công nhân đình công đang đòi thêm khoản lương cơ bản chừng 30 đôla/tháng.

Cổng của xưởng E-Land mở lại hôm chủ nhật. Nhưng Tổng Giám đốc E-Land Kyaw Tun Min, trong một thông cáo dán ở cổng chính, nói rằng công ty ông chỉ xem xét tới những đòi hỏi về lương bổng của các công nhân khi nào họ trở lại làm việc.

Mặc dù vậy, nhân viên bảo vệ ở đây nói rằng không có công nhân nào trở lại cả.

Những người đại diện công ty cũng chẳng có ai có mặt ở đây, theo lời các nhân viên bảo vệ. Không ai trả lời điện thoại khi phóng viên gọi tới hai số điện thoại mà viên tổng giám đốc ghi trên thông cáo dán ở cổng.

Tại xưởng sản xuất giày dép Tai Yi trong khu công nghiệp Hlaing Thar Yar ở kế bên, các công nhân cho biết họ có cảm giác lẫn lộn của sự cam chịu và sự nhẹ nhõm sau khi đồng ý chấm dứt cuộc đình công để đổi lấy khoản lương cơ bản chừng 50 đô la một tháng, tăng từ mức chưa đầy 40 đô la trước đây.

Họ bắt đầu trở lại làm việc từ ngày thứ ba.

Sự cởi mở chính trị của Myanmar đã giúp nước này thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Cô Ma Moe Wai, một công nhân dẫn đầu cuộc đình công ở xưởng Tai Yi, nói rằng doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục được hoan nghênh nếu họ trả lương công bằng và tôn trọng quyền lợi của công nhân.

"Tại các hãng xưởng ở nước chúng tôi, công nhân kiếm được rất ít tiền và chúng tôi không có nhiều cơ hội để tìm được những việc làm tốt hơn. Hầu hết các công xưởng trả lương như nhau vì chính phủ chưa ấn định mức lương tối thiểu."

Quốc hội Myanmar đã thông qua một dự luật về mức lương tối thiểu cách nay hai năm. Nhưng Bộ Lao động đã hành động quá đỗi chậm chạp trong việc xác định mức lương. Họ cho biết họ cần có thời giờ để thực hiện thêm các cuộc khảo sát, và điều này có nghĩa là từ nay cho tới lúc đó sẽ có thêm những vụ xích mích giữa người lao động với những người làm chủ doanh nghiệp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG