Đường dẫn truy cập

Hàng ngàn người chạy sang TQ để tránh giao tranh ở Myanmar


Người sắc tộc Kokang bỏ chạy tránh giao tranh từ Laukkai ở tiểu bang Shan đến một tu viện ở Lashio, ngày 16/2/2015.
Người sắc tộc Kokang bỏ chạy tránh giao tranh từ Laukkai ở tiểu bang Shan đến một tu viện ở Lashio, ngày 16/2/2015.

Giao tranh ác liệt giữa quân đội Myanmar và phiến quân đã làm cho hàng ngàn người vượt biên sang tỉnh Vân Nam của Trung Quốc để lánh nạn. Vụ xung đột làm tăng mối lo ngại ở Trung Quốc trong lúc các giới chức ở đây lập lại lời kêu gọi đôi bên ngưng bắn. Thông tín viên Bill Ide của đài VOA tường thuật từ Bắc Kinh.

Trong tuần qua, những vụ giao tranh ác liệt giữa các chiến binh người sắc tộc Kokang và quân đội Myanmar đã gây tử vong cho mấy mươi người. Một thông cáo đăng trên website của chính quyền tỉnh Vân Nam của Trung Quốc cho biết hơn 30.000 lượt người ra vào tiểu bang Shan ở miền bắc Myanmar đã được ghi nhận kể từ ngày 9 tháng 2.

Theo Tân Hoa Xã, thông cáo đó nói rằng phía Trung Quốc đã cung cấp lương thực, thuốc men và dịch vụ kiểm dịch cho những người tị nạn.

Số người bị thất tán hiện nay dường như tương đương với con số của vụ giao tranh lần chót vào năm 2009, khi quân đội Myanmar phát động một cuộc tấn công nhắm vào các phiến quân Kokang.

Một người đàn ông họ Dương, làm chủ một cửa hàng ở ngay phía bên này của biên giới, nói với đài VOA rằng ông thấy số người tị nạn hiện giờ bằng con số của năm 2009.

Ông Dương cho biết 10 người bà con của ông đã vượt qua biên giới và họ mới tới đây tối hôm qua. Ông nói rằng nhiều người Trung Quốc làm việc ở phía bên kia biên giới và những người khác cũng đã về nước để chờ cho giao tranh chấm dứt.

Binh sĩ chính phủ Myanmar đi bộ dọc con đường gần Laukkai, ngày 17/2/2015.
Binh sĩ chính phủ Myanmar đi bộ dọc con đường gần Laukkai, ngày 17/2/2015.

Phát biểu ngày hôm nay tại một cuộc họp báo thường lệ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc đang “kêu gọi tất cả các bên liên quan trong vụ xung đột tự chế và tránh làm cho tình hình leo thang thêm nữa để bảo đảm cho hòa bình và an ninh trong vùng biên giới, và nhất là để tránh ảnh hưởng tới an ninh của phía Trung Quốc.

Trong một bài bình luận hôm thứ hai, tờ Hoàn cầu Thời báo do Đảng Cộng Sản Trung Quốc hậu thuẫn, nói rằng hòa bình ở miền bắc Myanmar rất quan trọng đối với Trung Quốc. Bài viết cho rằng vì người Kokang được xem là người gốc Trung Quốc, cho nên vụ xung đột “thu hút sự chú tâm cao độ của công chúng” và một số người đã so sánh một cách sai lầm giữa vụ này với vụ tranh chấp của Nga và Ukraine về bán đảo Crimea.

Bài bình luận cũng nói rằng Trung Quốc giờ đây đối mặt với một thách thức về mặt ngoại giao và thúc giục những thành phần khác nhau trong xã hội Trung Quốc tránh can thiệp vào công việc ở miền bắc Myanmar.

Mặc dù vậy, một cuộc tranh luận sôi nổi về vụ này đang diễn ra trên mạng, trong đó có một số người gọi Trung Quốc là “tổ quốc” của những người sắc tộc Kokang.

Những hình ảnh đẫm máu được cho là của vụ xung đột, trong đó có cảnh những xác người Kokang vương vãi trên đường, đã được lan truyền trên mạng trong một thời gian ngắn trước khi bị các giới chức kiểm duyệt tháo bỏ.

Một bản tin bị tháo bỏ, trong đó có một bức hình chụp cảnh 3 xác người nằm chồng lên nhau trên một con đường, vẫn còn có thể được xem thấy trên website Freeweibo.com. Tin này hối thúc chính phủ Bắc Kinh nhanh chóng hành động để ngăn chận điều được gọi là một vụ thảm sát người Trung Quốc, bất kể là ai đúng ai sai.

Tính chất xác thực của những hình ảnh ghê rợn đó không thể được kiểm chứng một cách độc lập.

Một bài viết khác trên mạng chỉ trích lập trường của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đối với vấn đề này. Bài viết nói rằng “Làm sao có thể trông đợi các doanh nghiệp Trung Quốc tiến ra thế giới bên ngoài và hỗ trợ cho các chính sách thương mại của chính phủ như Đường Tơ lụa Biển hay Đường Tơ lụa Mới, trong lúc chúng ta không thể xử lý nhũng tình huống xảy ra ngay tại cửa nhà của mình?”

Bài viết này cũng gợi ý là chính quyền đã không làm đủ để giúp đỡ những người Trung Quốc bị mắc kẹt trong vụ bạo động.

Các giới chức Myanmar nói rằng bạo động gia tăng mới đây là do thủ lãnh phiến quân Kokang, ông Phone Kya Shin (Bành Gia Thanh), gây ra. Họ cũng yêu cầu các đối tác Trung Quốc ngăn chận những người có thể hỗ trợ cho ông này từ phía biên giới Trung Quốc.

Ông Phone Kya Shin bị lật đổ năm 2009 khi người làm phó cho ông lúc đó ngả về phe quân đội Myanmar. Sau đó, ông Phone đi sống lưu vong, và theo các nhà phân tích, hồi gần đây ông đã trở lại khu vực này và gầy dựng lại một lực lượng có khoảng hơn 1.000 chiến binh.

Chính phủ Myanmar đang cố gắng để có được một cuộc ngưng bắn toàn quốc với các nhóm phiến loạn, trong lúc họ chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 năm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG