Hôm thứ ba, trong lúc giao tranh diễn ra tại tiểu bang Shan của Myanmar, một đoàn xe của Hội Hồng Thập Tự chở thường dân lánh nạn đã bị tấn công. Không lâu sau đó, Tổng thống Thein Sein đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong khu vực và ra lệnh thiết quân luật ở đó. Theo tường thuật của thông tín viên Gabrielle Paluch của đài VOA tại trung tâm tin tức Đông Nam Á ở Bangkok, khoảng 50.000 người đã phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong đó có nhiều người vượt biên sang Trung Quốc.
Đoàn xe của Hội Hồng Thập Tự chở hơn 100 người tản cư đã bị tấn công mặc dù có treo những lá cờ lớn của Hội Hồng Thập Tự.
Bác sĩ Thar Hla Shwe, Chủ tịch Hội Hồng Thập Tự Myanmar, nói rằng hiện chưa rõ của vụ tấn công là ai, nhưng khi đó không có cuộc hành quân nào của quân đội Myanmar.
"Trong số các thiện nguyện viên của chúng tôi có hai người bị thương - một người ở đầu và một người ở bụng. Cả hai đang được điều trị tại một bệnh viện thị trấn và tình trạng của họ được ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi rất lấy làm tiếc là thiện nguyện viên của chúng tôi bị bắn trong lúc chúng tôi chỉ thực hiện công tác nhân đạo mà thôi. Những người này có mặt áo vest, áo vest của Hội Hồng Thập Tự, nên tôi nghĩ rằng họ sẽ được bảo vệ."
Bộ Thông tin Myanmar nói rằng thủ phạm của vụ nổ súng đó là các phần tử nổi dậy.
Phát ngôn viên Ye Htut của Tổng thống Thein Sein đã yêu cầu chính phủ ở Bắc Kinh kiềm chế các giới chức địa phương của Trung Quốc có thể đang giúp đỡ cho phiến quân ở nước ông.
Cuộc phản công của quân đội Myanmar đã bắt đầu hôm 9 tháng 2, khi một liên minh của các nhóm vũ trang, trong đó có Quân đội Liên minh Dân chủ Dân tộc Miến Điện, tấn công nhiều vị trí của quân đội Myanmar, trong một chiến dịch nhằm chiếm lại những phần đất bị mất trong cuộc xung đột năm 2009.
Quân đội Liên minh Dân chủ Dân tộc Miến Điện là đội quân của người sắc tộc Kokang của ông Bành Gia Thanh, là người đã cai trị khu tự quản Kokang cho tới khi thỏa thuận ngưng bắn ký kết năm 1989 bị đổ vỡ. Người ta tin rằng ông Bành đã sống lưu vong ở Trung Quốc trong 5 năm qua.
Nhóm Kokang cho biết họ muốn phục hồi qui chế tự quản và họ không hài lòng về việc chính phủ áp dụng thiết quân luật.
Tờ The Global New Light of Myanmar, cơ quan ngôn luận của chính phủ Myanmar, hôm thứ ba tường thuật rằng Tổng thống Thein Sein thề “không bỏ mất một tấc đất” và kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước. Tường thuật cũng cho biết binh sĩ chính phủ tiếp tục chiếm quyền kiểm soát Laukhu, nơi từng là thủ phủ của khu vực tự quản.
Các chiến binh của phe nổi dậy cho biết binh sĩ chính phủ đã dùng máy bay trực thăng để thực hiện những vụ tấn công.
Hơn 50 binh sĩ Myanmar và 26 chiến binh Kokang đã thiệt mạng trong vụ giao tranh.
Hồi đầu tuần này, Trung Quốc một lần nữa kêu gọi tất cả các bên trong vụ xung đột hãy tự kiềm chế và cho biết Bắc Kinh đang giúp đỡ những thường dân vượt biên sang lánh nạn ở Trung Quốc.
Ông Anthony Davis, một nhà phân tích quân sự trong khu vực, cho biết vụ này gây nhiều thiệt hại cho mối quan hệ giữa Myanmar với Trung Quốc, một phần là vì những người Kokang được xem là người gốc Trung Quốc.
"Trung Quốc muốn có ổn định trong vùng biên giới, nhưng bây giờ lại có hàng vạn người Kokang tị nạn, những người thuộc tộc Hán của Trung Quốc, tràn vào Trung Quốc. Người Trung Quốc tức giận. Người Miến Điện tố cáo Trung Quốc dính líu vào vụ này. Ít nhất một quan chức cấp cao Miến Điện đã phát biểu trên các trang mạng xã hội rằng đây là một cuộc xâm lăng của Trung Quốc. Cho nên, người dân Trung Quốc hiện đang tức giận. Miến Điện tức Trung Quốc, và Trung Quốc tức Miến Điện. Do đó, tác động của cuộc phản công nhắm vào người Kokang thật là vô cùng tai hại, ít ra là trong ngắn hạn."
Ông Davis cho biết vụ tấn công gây nhiều chết chóc vào Học viện quân sự của Quân đội Kachin Độc lập ngày 19 tháng 11 là một chất xúc tác cho vụ xung đột hiện nay, vì nó góp phần tạo ra một liên minh của nhiều nhóm khác nhau từng có người theo học tại học viện đó. Ông cũng cho rằng qui mô của những vụ đụng độ làm cho quân đội Myanmar bị giàn trải quá độ và làm bộc lộ những sự khiếm khuyết trong cả hai lãnh vực tình báo và chiến thuật.