Một tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi Myanmar ngưng xây dựng một phức hợp mỏ đồng và dời đi chỗ khác một nhà máy chế tạo a-xít sulphuric giữa những quan ngại về môi trường và nhân quyền. Địa điểm này đã được các công ty Canada, và mới đây là Trung Quốc, đầu tư. Thông tín viên Steve Herman tường thuật từ Văn phòng Đông Nam Á của Đài VOA ở Bangkok.
Những cáo buộc vi phạm nhân quyền và các tội phạm doanh nghiệp tại một mỏ đồng do nước ngoài làm chủ ở miền trung Myanmar là ví dụ điển hình về những nguy hại về đạo đức và những nguy hại khác đối với các nhà đầu tư tại một quốc gia mà trong vài năm qua đã có chuyển biến đáng kể từ sự cai trị của quân đội sang một chế độ dân chủ từng phần.
Hội Ân xá Quốc tế ngày hôm nay công bố một phúc trình tại một cuộc họp báo ở Bangkok về dự án Monywa.
Ông Richard Bennet, giám đốc châu Á-Thái Bình Dương của Hội Ân xá Quốc tế nói:
“Dự án này được ghi nhận là có những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong nhiều thập niên.”
Điều này bao gồm những đợt tống xuất hàng ngàn người, ô nhiễm môi trường và đàn áp tàn bạo những cuộc biểu tình của dân làng bị bỏ rơi trong tình trạng cơ cực vì dự án này.
Bà Meghna Abraham, một nhà nghiên cứu của Hội Ân xá Quốc tế về những tội phạm của các công ty nói:
“Dự án Monywa càng ngày càng được xem như một phép thử để xem chính phủ Myanmar cải cách nghiêm chỉnh như thế nào. Và những điều chúng tôi khám phá ra được là chính phủ không giám sát các công ty và không buộc những công ty này phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ. Do đó, những vụ vi phạm nhân quyền tràn lan trong dự án này ngay từ ban đầu vẫn tiếp tục tồn tại.”
Dự án cũng được xem như một ví dụ về mối quan hệ giữa những tập đoàn do quân đội làm chủ, một nhóm nhỏ những doanh nhân có quyền thế và những nhà đầu tư nước ngoài- đặc biệt là Trung Quốc, là nước đang thèm khát được tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào như dầu mỏ, khoáng sản và đá quí.
“Chúng tôi đang thấy những thay đổi đáng khích lệ tại Trung Quốc, gồm có một số sáng kiến xem xét các tiêu chuẩn về khai thác mỏ vân vân…Điều chúng tôi cần hiện nay là chính phủ Trung Quốc bước thêm bước nữa và đưa ra một dấu hiệu rất rõ ràng cho các công ty Trung Quốc là sẽ quản lý chặt chẽ các hoạt động của các công ty ở nước ngoài.”
Công ty NORINCO của Trung Quốc và Công ty UMEHL của Myanmar vào năm 2010 đã ký thỏa thuận tham gia Dự án Monywa.
Một trong những hoạt động mới nhất tại khu phức hợp, có tên là mỏ Letpadaung, được điều hành bởi công ty con Vạn Bảo của NORINCO và UMEHL, là nhánh hoạt động kinh tế của quân đội Myanmar.
Theo các nhà nghiên cứu của Ân xá Quốc tế, Công ty Vạn Bảo, vào năm 2011, dính líu trực tiếp vào việc cưỡng bách tống xuất và cấu kết với nhà cầm quyền bằng cách cung cấp máy ủi để phá huỷ mùa màng.
Các cuộc biểu tình chống lại dự án vẫn tiếp tục diễn ra. Biến cố nghiêm trọng gần đây nhất là vào tháng 12 năm ngoái, khi một phụ nữ bị thiệt mạng và vài người khác bị thương khi cảnh sát nổ súng vào những người biểu tình tại mỏ Letpadaung.
Công ty Ivanhoe Mine hiện nay là Turquoise Hill Resources có trụ sở tại Canada, cho biết vào năm 2006, công ty đã từ bỏ Dự án Monywa và thành lập điều được công ty mô tả là quỹ tín thác cho một đệ tam nhân quản lý các tài sản của công ty tại Myanmar. Tuy nhiên Ân xá Quốc tế nói những cuộc điều tra của tổ chức này cho thấy công ty Canada vẫn bí mật giữ quyền kiểm soát đối với quỹ tín thác.
Bà Abraham nói:
“Tất cả những việc này nêu lên những lo ngại sâu sắc là những chế tài kinh tế có thể đã bị vi phạm tại Anh và Canada vì việc bán đồng cho những nhân vật quan trọng trong quân đội Myanmar.”
Ân xá Quốc tế đã yêu cầu nhà cầm quyền tại Anh, Canada, và Virgin Islands thuộc Anh “Mở những cuộc điều tra về các vấn đề này” Bà Abraham tuyên bố như thế trong một cuộc họp báo tại Bangkok.
Chính phủ tại Nay Pyi Taw và những công ty có liên hệ tại Myanmar chưa tiếp xúc với Ấn xá Quốc tế nhưng các tổ chức nhân quyền nói Aân xá Quốc tế đã chia sẻ thông tin với những tổ chức này.
Các nhà hoạt động kêu gọi các thực thể nước ngoài thực hiện những cuộc nghiên cứu cặn kẽ trước khi đầu tư vào Myanmar để đảm bảo là con người và môi trường được bảo vệ một cách thích đáng. Và các nhà hoạt động cũng muốn chính phủ Myanmar ban hành những luật lệ chặt chẽ hơn về các vấn đề này.