Myanmar sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11, có thể bao gồm một cuộc trưng cầu dân ý về việc thay đổi hiến pháp hiến pháp đất nước. Một thông cáo do 7 đại sứ quán, gồm cả Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu, công bố trong tuần này kêu gọi Myanmar giao tiếp với tất cả những thành phần đóng góp một thời gian dài trước cuộc bầu cử để bảo đảm một cuộc bầu cử “khả tín, minh bạch và bao gồm mọi thành phần.” Thông tín viên VOA Steve Herman vừa đi thăm Miến Điện gửi bài tường thuật từ văn phòng Đông Nam Á của đài tại Bangkok.
Hoa Kỳ và các nước Tây phương đang “theo dõi sát” cách thức chính phủ Myanmar chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới, trong tình hình mà Đại sứ Hoa Kỳ Derek Mitchell gọi là “những thách thức to lớn.”
“Không có sự tin tưởng nào trong xã hội này cả. Không ai tin ai, ngay cả tin lẫn nhau trong xã hội dân sự. Do đó bảo đảm có đủ sự tin tưởng trong tiến trình này là điều cần thiết để tiến tới một kết quả được dân chúng chấp nhận.”
Các giới chức bầu cử của chính phủ trung ương đang lắng nghe những mối quan tâm của các đại sứ quán và cố gắng tỏ ra minh bạch, theo lời Đại sứ Mỹ Mitchell, người đã dành cho VOA một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm nay.
“Chúng ta phải thừa nhận rằng các danh sách cử tri đang ở trong tình trạng xấu, rất xấu. Họ chưa hề tổ chức một cuộc bầu cử nào như thế này với các tiêu chuẩn rất cao. Điều hành một cuộc bầu cử toàn quốc rất khó. Cơ sở hạ tầng, cho dù là đường sá hay thậm chí chỉ là khả năng ở cấp địa phương, ở mức rất thấp.”
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói Washington “ủng hộ một loạt rộng rãi các hoạt động phát triển cơ chế cho tất cả các chính đảng để cải thiện khả năng đại biểu của dân chúng Myanmar. Đại sứ Mitchell nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không thiên vị bất cứ chính đảng nào.
Nhà hoạt động nhân quyền Matthew Smith của tổ chức Fortify Rights cho rằng dường như không có kế hoạch bao gồm trong tiến trình bầu cử năm nay nhiều khối sắc tộc sống ở các vùng hẻo lánh. Ông nói:
“Có mối quan ngại là họ sẽ bị gạt ra ngoài lề về mặt chính trị trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.”
Quân đội quốc gia đã ở trong tình trạng giao tranh với nhiều nhóm sắc tộc từ nhiều thập niên –trong khuôn khổ một cuộc chiến giành các tài nguyên quý báu.
Đại sứ Hoa Kỳ nói đây là một lý do nữa khiến cần phải có kế hoạch đầy đủ từ trước để tiến hành một cách khả tín một cuộc bầu cử toàn quốc:
“Không có hoà bình trong nước. Có những vấn đề như Kokang. Có những vấn đề như bang Kachin, những nơi khác trong bang Shan, bang Rakhine. Sự kiện này dứt khoát gây khó khăn cho bản chất toàn diện của cuộc bầu cử.”
Đa số người Rohingya trong bang Rakhine không phải là công dân. Nhiều người mang thẻ căn cước tạm, giúp họ được hưởng các quyền lợi của chính phủ và được bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp. Nhưng thẻ gọi là thẻ trắng của họ sẽ bị thu hồi vào ngày 31 tháng 5.
Nói chuyện với đài VOA từ bang Rakhine, ông Smith, giám đốc điều hành Fortify Rights, tuyên bố sự kiện vừa nêu sẽ ngăn nhóm thiểu số này bỏ phiếu trong bất cứ cuộc bầu cử nào năm nay:
“Vậy là có rất nhiều sự căm hận về quyết định đó của chính quyền. Và phần lớn người Rohingya coi đó là bước kế tiếp trong việc loại trừ họ hoặc một số người sẽ coi đó như bước kế tiếp trong việc tiêu diệt cộng đồng của họ.”
Đại sứ Mitchell, đi thăm Sittwe trong bang Rakhine vào ngày mai, cho biết ông đã nêu vấn đề thẻ trắng và vấn nạn của người Rohingya với chính quyền Myanmar “trên cơ sở thường xuyên” và các vấn đề này đứng đầu các mối quan ngại của Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Chuyên gia phân tích Yan Myo Thein, đã từng là tù nhân chính trị gần 3 năm, cho biết ông lo ngại chính phủ sẽ quyết định không tiến hành bỏ phiếu tại những khu vực có biến động là cứ địa của Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ, tức NLD là đảng đối lập chính.
“Trong trường hợp khẩn cấp cuộc bầu cử có thể bị hoãn lại – không những trên toàn quốc mà còn ở một số bang, một số vùng trong nước.”
Phát ngôn viên của NLD Nyan Win nói với đài VOA rằng ông hoàn toàn đồng ý với những mối quan ngại đó.
Ông nói rằng “chúng ta cần phải quan ngại dựa vào những gì đã xảy ra trong các cuộc bầu cử phụ năm 2012 là lúc vì lý do an ninh, chính quyền đã không cho phép bỏ phiếu ở 3 đơn vị bầu cử trong bang Kachin mà NLD lẽ ra đã thắng ồ ạt.”
Ông cảnh báo rằng một tình huống như thế có thể lại diễn ra, trong cuộc bầu cử sắp tới. Nhưng phát ngôn viên của NLD nói đảng đối lập không có kế hoạch tẩy chay cuộc bầu cử.
Ông nói rằng đảng “không thể chỉ làm lơ các cuộc bầu cử bởi vì đảng tin rằng bầu cử là cấp thiết cho nền dân chủ.” Ông giải thích, “không thể trông đợi chính quyền tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng mà không có trục trặc nào,” và đảng NLD chỉ có thể trông đợi, nhiều nhất là sự mình bạch ‘ở một mức độ nào đó.”
Chuyên gia Yan Myo Thein không nghi ngờ nhiều về kết quả nêu việc bỏ phiếu trên toàn quốc là hợp pháp:
“Nếu cuộc bầu cử tự do và công bình và tiến trình dân chủ hoá là có thực, theo nhận xét của tôi, thì bà Aung San Suu Kyi có thể thành lập một chính phủ.”
Tuy nhiên, vẫn còn một trở ngại khác mà nhà lãnh đạo NLD và là khôi nguyên giải Nobel hoà bình phải đối mặt.
Một điều khoản trong hiến pháp có tác dụng dành cho quân đội quyền phủ quyết mọi thay đổi hiến pháp, trong đó có một khoản cấm bầu một tổng thống có người phối ngẫu và con cái là người nước ngoài. Nhiều người cho rằng điều khoản này cụ thể được viết để ngăn bà Suu Kyi ra làm tổng thống.
Một số nhà ngoại giao, chuyên gia phân tích và đại diện các tổ chức nhân quyền nói nếu không có tiến bộ hướng tới việc tu chính hiến pháp trong những tháng sắp tới thì điều đó sẽ cho thấy là chính phủ và đảng cầm quyền không thực sự nghiêm túc về việc đưa Myanmar lại gần hơn với nền dân chủ.