Đường dẫn truy cập

Căng thẳng Mỹ-Trung làm lu mờ nỗ lực xây dựng quan hệ theo 'mô thức mới'


Tổng thống Barack Obama trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Sunnylands ở California, ngày 7/6/2013.
Tổng thống Barack Obama trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Sunnylands ở California, ngày 7/6/2013.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đứng trước nhiều căng thẳng quan trọng trong bang giao vào năm 2013, làm lu mờ các nỗ lực xây dựng điều họ gọi là một “mô thức mới” trong quan hệ giữa hai cường quốc. Viện nghiên cứu Washington, Trung tâm Woodrow Wilson cứu xét các căng thẳng đó trong tháng này, trong khuôn khổ một cuộc thảo luận nhằm duyệt lại những diễn biến then chốt trong bang giao Trung-Mỹ suốt năm vừa qua. Thông tín viên VOA Michael Lipin ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Một diễn biến nổi bật trong bang giao Trung-Mỹ vào năm 2013 là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức vào tháng 3.

Tổng thống Barack Obama đã mở cuộc hội kiến lần đầu tiên với tân chủ tịch Trung Quốc tại khu nghỉ mát Sunnylands ở California hồi tháng 6.

Tham dự viên của cuộc hội thảo tại Trung tâm Wilson, ông Isaac Stone Fish, phó chủ biên tạp chí Ðối Ngoại, nói rằng cuộc họp đã làm thay đổi các quan niệm của Hoa Kỳ về nhà lãnh đạo Trung Quốc.

“Ðây là lần đầu tiên chúng ta thấy một nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như thực sự tin rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc nên giao tiếp trên một vị thế bình đẳng. Chúng ta đã thấy rằng với Sunnylands, ông Tập Cận Bình dường như tin rằng gây ra được cảm tưởng đó là có lợi cho Trung Quốc. Biến chuyển đó sẽ làm thay đổi bản chất của bang giao Trung-Mỹ trong mọi lãnh vực từ nhân quyền…cho đến thương mại, chính trị quốc tế cho đến việc giao dịch với Nhật Bản.”

Một thành viên khác tham dự cuộc hội thảo, giáo sư sử học Jeffrey Wasserstrom của trường Ðại học California, nói rằng các giới chức Hoa Kỳ đã học được thêm một điều khác về Chủ tịch Tập Cận Bình – đó là ông ta có nhiều điểm chung với những người tiền nhiệm.

“Bất cứ lúc nào có các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, là Hoa Kỳ lại nuôi những hy vọng quá mức rằng bởi lẽ họ nói về cải cách kinh tế và xã hội nên ắt hẳn trong thâm tâm, họ cũng muốn có cải cách chính trị. Chúng ta đã thất vọng về ông Hồ Cẩm Ðào. Và nay chúng ta lại thất vọng về ông Tập Cận Bình. Chung quy ông là một nhà độc tài, một người theo chủ nghĩa dân tộc, một nhà cải cách muốn can dự với nhiều thứ trong nền kinh tế và cơ cấu xã hội, và điều đó rất giống với bản chất của ông Ðặng Tiểu Bình. Chúng ta muốn ông ta là một thứ Gorbachev của Trung Quốc, nhưng chúng ta sẽ thất vọng.”

Sự kiện Trung Quốc ngày càng hung hăng trong các vụ tranh chấp lãnh hải với các lân quốc cũng là một nguồn căng thẳng đáng kể với Hoa Kỳ, nước đang có các liên minh quân sự với nhiều trong số các lân quốc đó.
Bắc Kinh tuyên bố thành lập một vùng Nhận diện Phòng không ngoài khơi duyên hải phía đông vào tháng 11.

Vùng này bao gồm cả những hòn đảo đang có tranh chấp mà Nhật Bản gọi la Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư đang do Nhật Bản kiểm soát và Trung Quốc đòi nhận chủ quyền. Vùng này cũng bao gồm cả một cơ sở nghiên cứu của Nam Triều Tiên xây trên một đảo chìm.

Hoa Kỳ và các nước đồng minh Nhật Bản và Nam Triều Tiên mau chóng phản đối hành động của Trung Quốc. Các nước này cũng đã gửi máy bay quân sự đến khắp vùng mà không thông báo cho Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc không có hành động thực thi nào rõ ràng, khiến một số quan sát viên Hoa Kỳ mô tả vùng này như một “mục tiêu riêng” của Trung Quốc.

Ðiều phối viên của cuộc hội thảo, ông Robert Daly, đứng đầu Viện Kissinger về Trung Quốc và Hoa Kỳ của Trung tâm Wilson, nói rằng vùng này là một động thái không đến mức gây thiệt hại nhiều cho Bắc Kinh như một số người nghĩ.

“Theo quan điểm của Bắc Kinh, họ đang đạt được các mục tiêu của họ, họ đang tỏ ra các dấu hiệu rằng họ sẽ không rút lại những tuyên bố mơ hồ rằng đây là một vùng của Trung Quốc. Và họ đã làm điều này một phần để chứng tỏ sự nhất quán – có liên quan đến những hòn đảo đang có tranh chấp Senkaku/Ðiếu Ngư. Tôi nghĩ có lẽ họ cảm thấy là đây là một thắng lợi cho họ, và chúng ta không nên vui mừng về các mục tiêu riêng của Trung Quốc. Tôi sẽ không lấy làm lạ khi thấy sẽ có thêm những vùng của Trung Quốc, cũng mơ hồ, và được công bố tốt hơn, trong vùng Hoàng Hải và Biển Ðông vào năm 2014.”

Một nguồn căng thẳng khác trong bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là việc Trung Quốc bắt giữ hàng chục nhà hoạt động Internet hô hào tôn trọng nhân quyền như được hứa hẹn trong hiến pháp Trung Quốc năm 1982.

Tham dự viên hội thảo của Trung tâm Wilsom, ông David Wertime, sáng lập viên của tạp chí mạng Tea Leaf Nation của Trung Quốc, nói rằng vụ trấn át đã khiến nhiều blogger hoảng sợ và tự kiểm duyệt việc quảng bá cho quyền hợp hiến của mình.

“Nhà chức trách Trung Quốc rất muốn liên kết một số khái niệm cấp tiến này với phuơng Tây. Họ đã tạo dựng một bầu không khi trong đó việc nói về nhu cầu công khai tài sản của các giới chức chẳng hạn, nói về cải tổ hiến pháp, đã được coi như một thứ không được đụng tới, mang tính cách Tây phương một cách mơ hồ và nguy hiểm, và họ đã rất thành công trong việc này trong khoảng thời gian 6 tháng vừa qua.”

Hoa Kỳ chỉ trích vụ đàn áp, và lên án Trung Quốc là hành động ngược với các nghĩa vụ quốc tế, và thậm chí trái với các luật lệ và hiến pháp của chính Trung Quốc.

Bang giao Trung-Mỹ cũng bị căng thẳng trong lúc các cơ quan truyền thông tin tức của Hoa Kỳ phổ biến thêm các bài báo phơi bày sự giàu có của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và cách thức gia đình họ thủ lợi nhờ quan hệ chính trị.

Những câu chuyện như thế làm Bắc Kinh bất bình, và đáp lại bằng cách trì hoãn việc gia hạn thị thực cho các ký giả Mỹ và các ký giả Tây phương khác.

Ông Isaac Stone Fish của tạp chí Ðối Ngoại nói việc trì hoãn cấp thị thực có tác dụng như một vụ trấn át truyền thông Tây phương của Trung Quốc.

“Vị trí của chúng ta ngay bây giờ là các ký giả của báo New York Times và hãng tin Bloomberg có thể sẽ không được gia hạn thị thực và trên thực tế sẽ đi đến chỗ có khoảng 2 chục ký giả sẽ bị trục xuất, và đó sẽ là biện pháp lớn nhất của Trung Quốc nhắm vào báo giới nước ngoài kể từ năm 1989, hay cuộc Cách mạng Văn hóa thời thập niên 1960 và 70, hoặc thậm chí kể từ ngày thành lập nuớc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Do đó đây là một thời điểm hết sức căng thẳng đối với các phóng viên nước ngoài ở Bắc Kinh và cũng đối với bang giao Trung-Mỹ.”

Bất chấp các căng thẳng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, quan hệ kinh tế lâu năm giữa hai quốc gia và các cuộc trao đổi giữa nhân dân hai nước vẫn bền bỉ.

Ông David Wertime của tạp chí mạng Tea Leaf Nation nói rằng dựa vào tương quan đó, ông vẫn là một người lạc quan kiên cường về mối bang giao Trung-Mỹ.

“Cho dù đó là 500 tỷ đôla kim ngạch mậu dịch hàng năm, 15 tỷ đôla đầu tư trực tiếp, hàng triệu người đi lại, để học, làm việc, hay thăm viếng, tôi nghĩ các yếu tố cơ bản này là nền tảng cho mối bang giao của chúng ta và theo tôi, cung cấp một phản biện với sự kiện là chỉ có một thiểu số ở mỗi nước bày tỏ một quan điểm tích cực đối với nhau.”

Tòa Bạch Ốc cho biết Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác trong năm 2014, tập trung vào việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, duy trì việc cung ứng tốt cho các thị trường năng lượng và cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm và dược phẩm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG