Các đại biểu vừa được bầu vào Quốc hội Miến Điện dự trù sẽ làm lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 23 tháng này, đánh dấu một giờ phút quan trọng trong những cải cách chính trị đang diễn tiến.
Nhưng Tổng thư ký của đảng Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ, ông Nyan Win hôm nay nói với các phóng viên rằng ông vẫn chưa chắc liệu 34 nhà lập pháp tân cử của đảng, kể cả lãnh tụ Aung San Suu Kyi có đồng ý tuyên thệ tại Quốc Hội theo đúng thời biểu đã định hay không hoặc liệu họ sẽ bị cấm không tham dự toàn bộ khóa họp.
Ông Nyan Win đến Naypiitaw hồi hôm qua để trình một lời yêu cầu đòi sửa lại lời tuyên thệ.
Ngày hôm sau, ông thông báo với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng các giới chức cho biết lời yêu cầu của ông bị coi là không cần thiết.
Ông Nyan Win nói tòa án bảo hiến đã kiên nhẫn giải thích lập trường của tòa rằng nhiều nước dùng từ “ủng hộ” trong lời tuyên thệ của mình. Ông nói ông đã không tranh cãi với tòa và hai bên đang tìm cách giải quyết vấn đề.
Bà Aung San Suu Kyi đã cam kết trong cuộc vận động tranh cử rằng bà sẽ tu chính hiến pháp.
Bà Suzanne Di Maggio thuộc Hội châu Á, vừa đi thăm Miến Điện, nói rằng lời tuyên thệ sẽ gây trở ngại cho các kế hoạch đó. Bà nói vụ giằng co về việc vào quốc hội này có thể là một thử thách thực sự đầu tiên về sự thành khẩn cải cách của chính phủ. Bà nói:
“Chính phủ tại Miến Điện có quyền lợi lớn trong việc bảo đảm rằng các cuộc bầu cử và những người giành được một ghế chính đáng trong quốc hội có khả năng để giành được những ghế đó, vì thế có thể chúng ta sẽ thấy một sự thỏa hiệp về vấn đề này, ít nhất tôi hy vọng như thế.”
Mặc dầu một số chính phủ tây phương đã loan báo các kế hoạch bãi bỏ các biện pháp chế tài, chính phủ Miến Điện vẫn còn bị đặt dưới áp lực quốc tế phải đối xử công bằng với phe đối lập chính trị.
Ông Maung Wuntha, một cự thành viên của đảng NLD, đã được bầu vào năm 1990, nhưng không hề dự họp tại quốc hội, nay là một chuyên gia phân tích chính trị, và là chủ biên tạp chí The People’s Age có trụ sở ở Rangoon.
Ông nói NLD nên tham gia quốc hội, bởi lẽ đó là mục tiêu tối hậu của cuộc bầu cử và là một bộ phận chủ chốt trong tiến trình dân chủ. Ông nói:
“Họ phải nghĩ đến cử tri. Chỉ mới đây thôi, cử tri đã dốc lòng ủng hộ NLD, và ý đồ của họ là muốn NLD tham gia quốc hội.”
Nếu NLD không tuyên thệ trong phiên khai mạc khóa họp vào ngày thứ hai tới, họ có thể buộc không được tham dự khóa họp có thể kéo dài nhiều tháng.
Đảng đối lập chính tại Miến Điện cho biết đang cứu xét việc tẩy chay ngày khai mạc khóa họp quốc hội vào tuần tới để phản đối ngôn từ của lời tuyên thệ nhậm chức.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1