Đường dẫn truy cập

Ðảng của bà Suu Kyi tẩy chay lễ khai mạc tân Quốc hội Miến Ðiện


Đại diện quân sự trong phiên họp của Quốc hội Miến Ðiện ở Naypyitaw, ngày 23/4/2012
Đại diện quân sự trong phiên họp của Quốc hội Miến Ðiện ở Naypyitaw, ngày 23/4/2012

Quốc hội Miến Điện khai mạc phiên đầu của khóa họp hôm nay, mà không có mặt bà Aung San Suu Kyi cùng 42 đồng chí trong Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ NLD. Từ Bangkok của Thông tín viên VOA Danielle Bernstein tường thuật về vụ giằng co có liên quan đến ngôn từ của lời tuyên thệ nhậm chức.

Đảng đối lập chính của Miến Điện đã vận động tranh cử với lời cam kết sẽ tu chính hiến pháp nước này. Họ đang ngưng việc hợp tác với chính phủ vì phản đối lời tuyên thệ mà tất cả các đại biểu quốc hội phải đưa ra trong phiên nhóm đầu tiên của khóa họp.

Phát ngôn viên của NLD, ông Nyan Win và chính bà Aung San Suu Kyi đã nhấn mạnh rằng họ không có ý định tẩy chay khóa họp quốc hội, mà họ tin rằng việc phản đối ngôn từ trong lời tuyên thệ là một vấn đề có thể được giải quyết mau chóng.

Họ nói họ muốn đổi lời tuyên thệ để nói rằng các đại biểu quốc hội sẽ “tôn trọng” chứ không phải “bảo vệ” hiến pháp do chính phủ quân nhân trước đây soạn thảo.

Ông U Thei Nyunt, cựu thành viên NLD, tù nhân chính trị và là người sáng lập Đảng Dân chủ Tân Nhân dân, đã là đại biểu quốc hội từ khi đắc cử vào năm 2010.

Ông nói ông cảm thấy buồn lòng là không được sự tham gia của các thành viên khác thuộc phe đối lập tại quốc hội trong ngày hôm nay.

Ông Thei Nyunt nói ông hy vọng sẽ thấy các nhà lãnh đạo NLD mà ông đã cùng làm việc từ năm 1990, cùng với một số nhà lãnh đạo trẻ tuổi đã có rất nhiều triển vọng phục vụ tốt cho đất nước, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Ông Thein Nyunt tỏ ý lo ngại rằng quyết định của đảng NLD có thể gây phương hại đến lòng tin của cử tri.

Giáo sư thỉnh giảng tại trường Đại học Quốc gia Australia, ông Trevor Wilson, nêu ra điểm NLD trước đây đã từng phản đối ngôn từ của lời tuyên thệ như đã ghi trong luật bầu cử, đã được chính phủ và quốc hội thay đổi để đảng NLD có thể tham gia cuộc bầu cử bổ túc.

Ông Wilson nói: “NLD đang hoàn toàn nhất quán với những gì họ nói, nhưng dường như họ không thừa nhận rằng có một tiến trình pháp lý cần phải được thương nghị với quốc hội về việc thay đổi lời tuyên thệ nhậm chức như thông lệ của bất cứ quốc hội nào.”

Ông Wilson gợi ý rằng NLD có thể theo một đường lối hòa giải hơn, là xây dựng một liên minh trong quốc hội để thông qua các cải cách.

Tổng thống Thein Sein nói với các phóng viên tại Tokyo hôm nay rằng ông không có ý định thay đổi lời tuyên thệ hiến định, nhưng vẫn có cam kết với các cải cách chính trị đang diễn tiến trong nước.

Ông Aung Thaung, một thành viên của đảng cầm quyền, là một trong các nhà thương thuyết chính trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột với các nhóm sắc tộc vũ trang ở các vùng biên giới. Nhiều nhóm sắc tộc coi bà Aung San Suu Kyi là yếu tố chủ chốt để giải quyết các vụ xung đột đã kéo dài lâu nay.

Ông Thaung nói: “Liệu bà ấy có ở trong quốc hội hay không, tôi nghĩ không có liên quan đến các hoạt động xây dựng hào bình của chúng tôi, nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận các đề nghị của bất cứ ai, của bất cứ nước nào.”

Những người lãnh đạo Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ cho biết họ hy vọng vụ giằng co về lời tuyên thệ có thể được giải quyết trong vòng 10 ngày.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG