Đường dẫn truy cập

Cải cách đưa tới việc nới lỏng các biện pháp chế tài đối với Miến Ðiện


Nhân viên đếm tiền tại một ngân hàng địa phương ở Rangoon, Miến Ðiện
Nhân viên đếm tiền tại một ngân hàng địa phương ở Rangoon, Miến Ðiện

Cải cách chính trị tại Miến Điện đã khiến một số quốc gia bãi bỏ những biện pháp chế tài đã áp dụng mấy chục năm để đáp lại những vụ vi phạm nhân quyền kéo dài của nước này. Theo bài tường thuật từ Bangkok của thông tín viên VOA Daniel Schearf, Liên hiệp châu Âu dự trù sẽ đình chỉ toàn bộ các biện pháp chế tài vào ngày 23 tháng này, khiến một số quan sát viên tin rằng Hoa Kỳ cũng có thể sẽ làm như vậy.

Hoa Kỳ, Anh, Australia và một số nước châu Âu khác đã đáp lại cuộc bầu cử mới đây và các cải cách chính trị của Miến Điện bằng cách bãi bỏ một số hạn chế thị thực và tài chính đã áp đặt vì những vụ vi phạm nhân quyền.

Trước đây trong tháng, Thủ tướng Anh David Cameron đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một vị nguyên thủ quốc gia phương Tây đến Miến Điện kể từ khi quân đội lên nắm quyền vào năm 1962. Ông kêu gọi đình chỉ tất cả các biện pháp chế tài của Liên hiệp châu Aâu, ngoại trừ lệnh cấm vận vũ khí.

Các chuyên gia cho rằng lập trường của Anh làm tăng áp lực đối với Washington trong việc đình chỉ một lệnh cấm nhập khẩu và đầu tư của Mỹ.

Phó chủ tịch các Chương trình Chính sách Toàn cầu tại Hội châu Á có trụ sở ở New York, bà Suzanne DiMaggio, nói các nhà đầu tư Mỹ, bị cấm từ năm 1997, đang nóng lòng tiếp cận các tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Miến Điện cùng 60 triệu người tiêu thụ. Bà nói chuyện với đài VOA qua Skype:

Bà DiMaggio cho biết: “Chớ nên quên rằng những nước như Trung Quốc đã đầu tư vào Miến Điện từ nhiều năm rồi. Và Trung Quốc đang ở vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Miến Điện vào thời điểm này. Và chúng ta thấy những nước khác bãi bỏ các biện pháp chế tài và tìm đường vào Miến Điện. Theo tôi Hoa Kỳ lo ngại sẽ đi chậm trong trò chơi này.”

Các quốc gia Tây phương đã áp đặt nhiều mức độ trừng phạt kinh tế và ngoại giao khác nhau đối với Miến Điện sau những vụ đàn áp người biểu tình đòi dân chủ vào những năm 1988 và 2007.

Ngoài việc ngưng bán vũ khí, các nước này đã phong tỏa tài sản của giới cầm quyền quân nhân Miến Điện, và những người hợp tác với họ, và áp đặt các lệnh cấm thị thực để hạn chế việc đi lại của các giới chức này.

Hoa Kỳ đã áp dụng một số biện pháp chế tài gắt gao nhất, đình chỉ mọi khoản đầu tư mới và hàng nhập cũng như hạn chế các vụ giao dịch tài chính.

Nhưng trong những năm vừa qua, Tổng thống Thein Sein, một vị cựu tướng lãnh, đã gây ngạc nhiên cho giới chỉ trích qua việc giám sát những cải cách rộng lớn. Chính phủ của ông đã nới lỏng việc kiểm soát giới truyền thông, phóng thích hàng trăm tù nhân chính trị, và để cho đảng Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà được ra tranh cử trong tháng tư.

Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở ở Jakarta lâu nay vẫn chống đối các biện pháp chế tài Miến Điện vì nói rằng các biện pháp này gây thiệt hại cho dân chúng nhiều hơn là giới cầm quyền. Giám đốc Dự án châu Á của tổ chức này là ông Jim Della-Giacoma nói Washington nên lập tức bãi bỏ các biện pháp chế tài, nhưng điều đó không phải là dễ dàng.

Ông Della-Giacoma cho biết: “Vấn đề ở Hoa Kỳ là nhiều biện pháp chế tài được gắn chặt vào các luật lệ. Do đó, họ cần phải thông qua những luật lệ mới để có thể vượt qua được, Một số có thể được đặt dưới quyền miễn trừ của tổng thống. Nhưng trong một năm bầu cử bận rộn, Quốc Hội Hoa Kỳ cần phải tập trung vào chính sách này, và nhiều người cho rằng sẽ khó mà thực hiện.”

Các nhà phân tích khác và giới hoạt động lập luận rằng một tiến độ chậm hơn để bãi bỏ các biện pháp chế tài dù sao cũng là một ý kiến hay, bởi vì hành động quá nhanh có thể gây phương hại cho những thay đổi tốt đẹp ở Miến Điện. Bất kể các cải cách, hàng trăm tù nhân chính trị vẫn còn bị giam giữ, các bộ luật áp bức vẫn chưa được bãi bỏ, và quân đội Miến Điện vẫn còn chiến đấu với phiến quân sắc tộc Kachin.

Các tổ chức nhân quyền cho rằng quân đội tiếp tục những vụ vi phạm trắng trợn tại bang Kachin kể cả cưỡng bức lao động, hãm hiếp và giết người.

Giám đốc Chiến dịch của tổ chức Vận động cho Miến Điện có trụ sở ở London, Zoya Phan, tán đồng việc duy trì các biện pháp chế tài đối với các công nghiệp làm lợi cho quân đội và giới chức quyền.

Ông Phan nói: “Một số biện pháp chế tài nhỏ có thể được bãi bỏ, dựa vào những thay đổi tích cực đang diễn ra ở Miến Điện. Nhưng đối với các khu vực chủ chốt chính như hầm mỏ, đá quý và kim loại cũng như gỗ, tôi nghĩ điều quan trọng là phải duy trì để tăng thêm áp lực đối với chính phủ ở Miến Điện đòi họ tiếp tục các cải cách tích cực ở Miến Điện.”

Nhiều nhà phân tích đồng ý rằng đình chỉ chế tài là con đường trung dung tốt đẹp bởi vì các biện pháp này có thể được tái lập dễ dàng nếu nhà cầm quyền đi ngược lại hay ngưng công cuộc cải cách.

Các chính phủ Tây phương lâu nay đã hội ý với thần tượng dân chủ Aung San Suu Kyi trước khi tiến hành bất cứ hàng động hay biện pháp trừng phạt nào. Bà ủng hộ việc chế tài như một sức mạnh chống lại các chính phủ quân nhân Miến Điện trong thời gian 15 năm bị quản thúc tại gia.

Nhưng sau khi đắc cử trong tháng này, bà Aung San Suu Kyi đã dần dà có chủ trương mềm mỏng hơn. Sau khi hội kiến thủ tướng Cameron, bà đã lên tiếng ủng hộ việc tạm ngưng, chứ không bãi bỏ hẳn các biện pháp chế tài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG