Các bước trừng phạt Miến Điện từ: Hoa Kỳ - 17 tháng Tư 2012: Bộ Tài chánh Mỹ cho phép những nhóm ở Hoa Kỳ làm từ thiện và công tác nhân đạo tại Miến Điện. - 4 tháng Tư 2012: Các bước chế tài được nới lỏng thêm. - Cấm vận vũ khí, cấm đầu tư tại Miến Điện và nhiều hàng nhập khẩu. EU - 13 tháng Tư 2012: Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi nới lỏng trừng phạt Miến Điện khi đến thăm nước này. - Tháng 2 năm 2012 Bỏ hạn chế visa nhập cảnh đối với một số giới chức cấp cao. - Cấm bán vũ khí, giới hạn xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư. Úc - 16 tháng Tư 2012: Bỏ hạn chế du hành, ngoại trừ đối với các sĩ quan quân đội cao cấp và những nghi can vi phạm nhân quyền. - Áp đặt trừng phạt với tập đoàn lãnh đạo Miến Điện trong năm 2007. Canada - 12 tháng Tư 2012: Ngoại trưởng John Baird cho biết đang duyệt lại các bước trừng phạt. - Cấm xuất khẩu vũ khí và mọi loại hàng không liên quan đến nhân đạo, năm 1988. Nhật Loan báo bắt đầu lại toàn bộ viện trợ phát triển vào tháng 2 năm 2012, sau 9 năm tạm ngưng. |
Liên hiệp Châu Âu đã đạt được một quyết định sơ khởi là bãi bỏ phần lớn các biện pháp chế tài đối với Miến Điện trong 1 năm để đáp lại những cải cách dân chủ gần đây của nước này.
Một số nhà ngoại giao EU ngày hôm nay nói rằng gần như tất cả các biện pháp chế tài đối với Miến Điện dự kiến sẽ được đình chỉ, ngoại trừ lệnh cấm vận vũ khí.
Quyết định này dự kiến sẽ được chấp thuận vào ngày thứ Hai trong cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao EU tại Luxembourg.
Các giới chức nói rằng việc ngưng chỉ trong 12 tháng nhằm khuyến khích việc thực hiện thêm các biện pháp cải cách của chính phủ dân sự trên danh nghĩa của Miến Điện, chính phủ đã lên nắm quyền hồi năm ngoái sau nhiều thập niên nằm dưới sự cai trị của quân đội.
Tại các nơi khác, một tờ báo hàng đầu của Nhật Bản cho biết Thủ tướng Yoshihiko Noda sẽ xóa khoản nợ trị giá 3,7 tỷ đôla của Miến Điện và nối lại hoạt động viện trợ đã bị đình chỉ cho quốc gia Đông Nam Á này.
Báo Asahi Shimbun cho biết ông Noda sẽ loan báo việc xóa nợ được tiến hành làm hai giai đoạn trong một cuộc họp vào cuối tuần này với Tổng thống Miến Điện Thein Sein.
Ông Thein Sein sẽ bắt đầu chuyến công du 4 ngày tới Nhật Bản vào ngày mai. Ông sẽ là nguyên thủ Miến Điện đầu tiên tới thăm Nhật Bản trong gần 3 thập niên qua.
Chuyến thăm Tokyo của nhà lãnh đạo Miến Điện là hoạt động mới nhất trong khuôn khổ hàng loạt các hoạt động đối ngoại của tân chính phủ dân sự trên danh nghĩa, chính phủ đã bắt đầu thực thi một loạt các cải cách dân chủ sau khi lên nắm quyền hồi năm ngoái.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, sẽ công du Miến Điện trong tuần tới.
Hồi đầu tuần này, bà Ashton nói rằng EU đã sẵn sàng bước vào một “công cuộc hợp tác tích cực” với Miến Điện để “hỗ trợ quá trình cải cách và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, chính trị và xã hội.”
Một số nước phương Tây, gồm cả Hoa Kỳ và Anh, đã tưởng thưởng cho những cải cách đó bằng việc bãi bỏ một số các biện pháp chế tài đã được áp đặt từ lâu nay đối với Miến Điện.
Nhưng nhiều chính phủ nước ngoài đang chờ đợi để xem liệu Miến Điện có thả thêm cho các tù nhân chính trị và chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập niên với các nhóm nổi dậy hay không trước khi họ bãi bỏ các biện pháp chế tài còn lại.