Đường dẫn truy cập

Buổi ra mắt sách của nhà thơ kiêm nhà văn Du Tử Lê


Nhà thơ Du Tử Lê ký tặng sách
Nhà thơ Du Tử Lê ký tặng sách

Chiều ngày thứ Bảy 22 tháng 10 vừa qua, nhóm Thân hữu Du Tử Lê vùng Đông bắc Hoa Kỳ đã tổ chức buổi ra mắt tập tùy bút “Trên ngọn tình sầu” của ông tại “Vườn Đà Lạt” vùng Herdon Virginia. Hà Vũ đã đến dự và ghi lại một số điểm chính trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này.

Nhà thơ Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sanh năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, miền Bắc Việt Nam. Ông làm thơ rất sớm, một số tài liệu viết về tiểu sử của ông cho biết ông làm thơ từ lúc còn học trường Tiểu học Hàng Vôi, Hà Nội và từ năm 1953, lúc ông 11 tuổi, thơ của ông đã được đăng trên tờ báo Măng Non dành cho thiếu nhi, xuất bản tại Hà Nội.

Bút hiệu Du Tử Lê ra mắt độc giả Việt Nam qua bài thơ “Bến Tâm Hồn” đăng trên tạp chí Mai, xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1957.

Năm 1973, nhà thơ Du Tử Lê được giải thưởng Văn chương toàn quốc, bộ môn Thơ với tác phẩm “Thơ Du Tử Lê (1967-1972)” in năm 1972.

Định cư tại Hoa Kỳ sau ngày 30 tháng 4, 1975, Nhà thơ Du Tử Lê vẫn tiếp tục hoạt động trong lãnh vực thơ văn. Thơ của ông đã được chuyển sang Anh ngữ và được giảng dạy tại một số trường đại học Âu Mỹ từ năm 1990 cho đến nay.

Nhà thơ Du Tử Lê cám ơn khách tham dự
Nhà thơ Du Tử Lê cám ơn khách tham dự
Nhà thơ Du Tử Lê cho biết thực ra khi còn ở Việt Nam, ông đã xuất bản các tác phẩm bằng văn xuôi nhiều hơn là các tập thơ:

“Ngày xưa khi ở Việt Nam, thơ bán không được, chúng tôi trừ trường hợp không có khả năng thôi thì đều có viết thêm chuyện ngắn, chuyện dài. Chính ra số tác phẩm của tôi in ở Việt Nam thì văn xuôi lại nhiều hơn thơ, nhưng mà đa số độc giả lại cứ quen nhìn tôi là một người làm thơ nhiều hơn viết văn.”

Ông cho biết tập Tùy bút “Trên ngọn tình sầu” ra mắt độc giả vùng Washington D.C., Maryland và Virginia lần này là tập tùy bút thứ 11 của ông.

Tiến sĩ Trần Bích San, một người bạn từ thủa tiểu học của nhà thơ Du Tử Lê đến từ New Orleans giới thiệu tập tùy bút “Trên Ngọn Tình Sầu”, sau khi điểm qua 8 bài trong tập Tùy bút cho rằng đối với Du Tử Lê, tình bạn và tình yêu là hai điều quan trọng nhất:

“‘Trên Ngọn Tình Sầu’ viết cân đối, 8 bài thì 4 bài ông viết về các bạn Thảo Trường, Duy Thanh, Cao Xuân Huy và Nguyễn Mạnh Hùng. Duy Thanh 90 tuổi sống tại California, Thảo Trường và Cao Xuân Huy không còn hiện diện nữa. Nguyễn Mạnh Hùng có mặt với chúng ta ngày hôm nay. Bốn bài kia viết về Chị, Mẹ, người hôn phối và người yêu đầu đời của ông. Điều đó phản ảnh hai điều quan trọng nhất trong đời sống của Du Tử Lê: Đó là tình bạn và tình yêu.”

Tiến sĩ Trần Bích San sau khi đưa ra nhận xét Du Tử Lê là một nhà thơ nên những bài tùy bút của ông là những bài thơ dài, bay bướm, trữ tình và lãng mạn, đã nêu lên nét đặc biệt của tập tùy bút này:

“Một đặc điểm khác của văn tùy bút Du Tử Lê mà trong quá khứ chưa có tác giả nào dám mạo hiểm. Đó là việc sử dụng điệp văn. Đây là một sáng tạo độc đáo và táo bạo của nhà thơ. Điều đó chứng tỏ Du Tử Lê luôn luôn khai phá cả trong hai lãnh vực thi ca và tùy bút.”

Một góc phòng ra mắt sách của nhà thơ Du Tử Lê
Một góc phòng ra mắt sách của nhà thơ Du Tử Lê
Tiến sĩ Trần Bích San cho rằng tùy bút không thể đọc nhanh, nhưng với “Trên Ngọn Tình Sầu”, ngoài chuyện phải chậm rãi, người đọc còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần ví như thú uống trà trong sương sớm, phải thư thả, nhàn nhã mới cảm nhận đến tận cùng hương vị thấm vào khứu giác và vị giác của người thưởng ngoạn.

Ông kết luận: “Tác phẩm và thời gian đã đủ định vị Du Tử Lê trên lãnh vực thi ca. Với ‘Trên Ngọn Tình Sầu’ một lần nữa chứng tỏ tài hoa của Du Tử Lê cả trên thể tùy bút nữa.”

Được hỏi trong các bài thơ của ông được phổ nhạc, ông thích bài thơ nào nhất, Du Tử Lê đã thành thật trả lời:

“Khi chúng ta có nhiều đứa con thì chúng ta khó nói là tôi yêu đứa con này nhất hay là tôi không thích đứa con này nhất. Cho phép tôi được yêu nhất tất cả những đứa con của tôi đã chuyển thành âm nhạc.”

Nhà thơ Du Tử Lê cho biết trong năm 2012 ông sẽ cho xuất bản một tập thơ mới nhất của ông:

“Qua năm tới tức là năm 2012, có vài tổ chức định làm cho tôi một buổi gọi là kỷ niệm 50 năm thơ văn Du Tử Lê, nhân dịp đó tôi in tập thơ mới nhất của tôi. Thường các nhà thơ lấy một bài họ thích hay họ cho là có ý nghĩa để đặt tên cho tập thơ nhưng chắc kỳ này tôi không theo thông lệ đó. Từ trước tới nay tôi vẫn theo thông lệ đó, giống như mọi người, nhưng kỳ này chắc tôi muốn đổi khác đi”

Buổi ra mắt sách của nhà thơ kiêm nhà văn Du Tử Lê được phụ diễn bằng một chương trình ca nhạc do các ca nhạc sĩ địa phương trình diễn với những nhạc phẩm nổi tiếng phổ nhạc thơ của ông và những nhạc phẩm được ưa chuộng khác.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG