Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sinh ngày 30 tháng 6 năm 1930 tại làng Hoành Nha huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định trong một gia đình tin kính Chúa. Ông say mê âm nhạc từ thủa thiếu thời và bắt đầu sáng tác từ năm 17 tuổi. Ông nhập ngũ vào năm 1951. Tuy nhiên ông không may mắn như những bạn cùng khóa 1 trường Sĩ quan trừ bị Nam Định trong đó nhiều người đã lên tướng như các tướng Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Bảo Trị, Lê Nguyên Khang, Nguyễn Duy Hinh,v…v… ông vẫn còn mang cấp bậc Trung tá sau 24 năm trong quân ngũ. Chức vụ cuối cùng của ông là Huấn luyện viên Tiếp vận, Trường Chỉ Huy và Tham Mưu Đà Lạt-Long Bình. Cũng như các sĩ quan và công chức, cán bộ thuộc Việt Nam Cộng Hòa, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông bị đưa đi cải tạo tại nhiều trại từ nam ra bắc. Ông được trả tự do vào năm 1988 sau hơn 13 năm tù đày và đến Mỹ cùng với gia đình vào cuối năm 1990. Hiện ông cư ngụ tại San Jose miền bắc California.
Trong phần giới thiệu về nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, ông Vũ An Thanh, một người bạn của nhạc sĩ nói về các giai đoạn sáng tác của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm:
“Dòng nhạc Vũ Đức Nghiêm có thể chia làm 4 giai đoạn khác nhau. Giai đoạn một là Quân hành ca viết lúc còn trẻ thời kỳ sống trong quân đội. Thứ nhì là Tình ca viết vào lứa tuổi trưởng thành. Ngục tù ca viết trong thời gian 13 năm tù tội trong các trại tập trung của cộng sản và sau cùng là Tôn vinh ca viết vào giai đoạn sau đó cho đến tận ngày hôm nay.”
Những bản nhạc của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm được hai nhạc sĩ Ngô Minh Trí và Nguyễn Ngọc Châu soạn hòa âm và do các ca sĩ vùng Washington D.C trình diễn với sự phụ họa của dàn nhạc Prelude Chamber Ensemble do nhạc sĩ vĩ cầm Phạm Dương Hiển điều khiển và được anh Phan Anh Dũng và chị Nghiêm Thái Phượng giới thiệu.
Đặc biệt nhạc phẩm “Gọi người yêu dấu”, một tình khúc làm cho nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm nổi tiếng từ đầu những năm 1970, thay vì được đơn ca như trước đây, đã được ban tổ chức sắp xếp để thành một bản hợp ca 6 giọng, 3 nam và 3 nữ.
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm nói về sự ra đời của nhạc phẩm này:
“Ai cũng nói đến tình khúc lãng mạn của thời sống gọi là hơi buông thả của tôi. Hồi đó tôi có sống ngoại hôn với một người đàn bà. Rồi đến lúc chia tay mình thấy trong lòng cũng có nhiều nỗi khổ đau. Thành thật mà nói đó chỉ là một cuộc phiêu lưu lãng mạn thoáng qua như phù du thôi. Lát nữa anh có thể nghe bài ‘Một thoáng phù du’ tôi viết cho cô bé đó. Tôi viết cho cô bé đó nhiều lắm. Bài ‘Vùng trời kỷ niệm’ Hoàng Cung Pha sẽ hát tôi cũng viết cho cô bé đó thôi. Chuyện xảy ra cách đây hơn 40 năm, tôi gọi cô đó là Ly Cơ.”
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cũng viết nhiều bản Tôn vinh ca về niềm tin của ông đối với Thiên Chúa. Một số ca khúc này đã được Hội Thánh Tin Lành Báptít Nam Phương và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chọn đăng vào phần II Cuốn Thánh Ca như các nhạc phẩm ‘Khi tôi quỳ nơi chân Chúa’, ‘Tôi quyết tâm là viên than hồng’, ‘Vững bước đi trên khổ đau’..v…v…
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cho biết thời gian trong tù là thời gian ông sáng tác các bản Tôn vinh nhiều nhất và sâu sắc nhất:
“Trong khổ cực, cùng khốn của cuộc đời thì mình được sự thăm viếng của Chúa và chúng tôi nghĩ đó là thời gian tôi viết một cách sâu sắc và có sự cảm động hơn là thời gian mình sống ở ngoài đời, sống sung sướng, đầy đủ mọi thứ, thì sự suy tư về vấn đề tâm linh không thể nào được như ở trong tù. Tôi nghĩ chưa có thời kỳ nào tôi viết sung mãn và chuyên chở nhiều tâm tư, khao khát về tâm linh nhất như trong hoàn cảnh khổ đau.”
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cũng viết nhiều nhạc phẩm ca ngợi người vợ 13 năm ở nhà tảo tần nuôi 7 người con và nuôi chồng trong tù.
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm được nhà văn kiêm nhà thơ Trương Anh Thụy, đại diện Ban tổ chức trao tặng một bó hoa hồng nhưng ông xin phép trao tặng bó hoa hồng này cho phu nhân. Ông cảm động nói:
“Tôi nhớ đến vợ tôi những ngày tôi hơn 13 năm ngục tù ở nhà đã rất vất vả nuôi bảy đứa con. Ngày xưa chưa bao giờ vất vả như vậy. Tôi nghĩ đến công ơn đó và tôi nghĩ ngày 15 tháng 6 năm 1975 khi đi tù tôi đã ở tuổi ngoài 40. Tôi nghĩ sau hơn 13 năm ngục tù khi tôi trở về thì vợ tôi đã trở thành một bà già gần 60 tuổi, mắt đã mờ, tóc đã bạc, lưng đã còng, răng đã rụng. Tôi đã viết cho vợ những lời ca ngợi mà quý vị vừa mới nghe Xuân Thưởng trình bày. Khi tôi viết xong bài này thì tôi gặp một em tù trẻ tuổi cho biết ngày mai em được thả anh có gởi gì không. Tôi bảo cho anh gởi một bài hát cho chị ở nhà. Nó bảo anh đề tên Vũ Đức Nghiêm Việt cộng không cho em mang về đâu. Tôi bảo dễ quá, em xóa đi và đề nhạc và lời Liên Xô. Bài nhạc đã đưa về tới nhà.”
Đề cập đến dự tính trong tương lai, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cho biết:
“Tôi định làm một album ‘The best of Vũ Đức Nghiêm’ tôi chọn 10 bài đặc sắc nhất trong tù, những bài tôn vinh Chúa nhưng chưa có điều kiện để làm.”
Chấm dứt chương trình nhạc Vũ Đức Nghiêm là bài Cờ vàng tung bay do 12 ca sĩ trong vùng đồng ca. Bài này nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm viết sau khi tham dự lễ dựng kỳ đài Việt Mỹ ở San Jose, bắc California.
Một bạn trẻ đưa ra cảm tưởng sau khi thưởng thức chương trình hòa nhạc đặc biệt nhân ngày Lễ Tạ Ơn kỷ niệm ‘Nửa thế kỷ viết ca khúc Vũ Đức Nghiêm’
“Rất là hay. Lần đầu tiên em mới được nghe nhạc của Vũ Đức Nghiêm, với lại những người trình diễn ngày hôm nay rất xuất sắc. Kiểu hòa âm bây giờ rất khác hẳn. Rất là hay.”