Từ những năm 1990, Linh mục Trần Công Vang thuộc Dòng Chúa Cứu Thế đã đến Hồng Kông để giúp đỡ các thuyền nhân Việt Nam trong các trại cấm và thăm viếng an ủi những người bị giam tại nhà tù Victoria. Linh mục Vang chỉ trở về Mỹ khi các trại này bị đóng cửa.
Vào năm 1997, Linh mục Trần Công Vang về Việt Nam để thăm những đồng bào từ các trại tị nạn Hong Kong bị cưỡng bức hồi hương trở lại Việt Nam. Nhân dịp này Linh mục Vang đã đi thăm một số chương trình của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam thực hiện từ mấy chục năm qua trong đó có các chương trình giúp đỡ đồng bào sắc tộc tại Tây Nguyên. Linh mục Vang đã chứng kiến cảnh sống thiếu thốn, khó khăn, và tương lai mịt mù của đồng bào sắc tộc, nhất là các con em họ. Từ những trăn trở, suy nghĩ làm cách nào giúp người sắc tộc có một đời sống đở cực nhọc và một tương lai sáng sủa hơn, Linh mục Vang đã quyết định thành lập Hội Việt Tộc vào năm 1998. Linh mục Vang nói lên những suy nghĩ của ông khi thành lập hội:
“Là người dân tộc, ngày xưa họ không có ý thức nhiều về vấn đề học vấn vì đó không phải là một nhu cầu khẩn thiết đối với họ. Họ luôn luôn sống biệt lập vì không có nhu cầu tiếp xúc với người Kinh. Một thời gian sau này họ không thể nào sống mà không tiếp cận với người Kinh được. Do đó nếu không có học vấn, các em không thể nào có tương lai để có nghề, có cái chữ để biết đọc biết viết, biết tính toán biết lo cho mình, lo cho buôn làng. Chính các Cha, các Sơ, những người có tâm huyết trên vùng đó thấy đây là nhu cầu tối khẩn thiết. Từ đó mình cảm nhận được là bên này có điều kiện nhiều lắm và nhiều người rất chân thành muốn giúp nhưng không biết những điều kiện khó khăn đó hay là không có hoàn cảnh để có thể giúp một cách có hiệu quả được. Thì mình và một số anh em thiện nguyện lập ra một hội như một nhịp cầu để đồng bào bên này có điều kiện giúp bên kia.”
Linh mục Trần Công Vang giải thích về tên gọi của Hội Việt Tộc:
“Có người nói tại sao Cha không chọn tên tiếng Mỹ nhưng mình nghĩ trên đất nước này mình phải có tự hào với người Việt Nam của mình và chữ Việt vẫn là một từ quốc tế nói lên dân tộc Việt Nam của mình và chữ Tộc nói về người dân tộc. Đây là sự nối kết. Từ nhận thức đơn sơ đó để nhắc người ta nhớ liên đới giữa anh chị em người Kinh và người Thượng và đồng thời cũng muốn cho người Mỹ nhận ra ngay cả trên đấn nước này họ biết chúng ta là ai. Nghe đến Hội Việt Tộc họ biết đây là một cơ cấu cho những chương trình trên quê hương của chúng ta.”
Hội Việt Tộc có nhiều chương trình để giúp đỡ đồng bào các dân tộc tại Tây Nguyên như chương trình Y tế, chương trình cứu trợ những lúc đồng bào bị thiếu đói hay gặp thiên tại bão lụt, chương trình trợ giúp sinh hoạt văn hóa, tôn giáo… nhưng giáo dục vẫn là chương trình Hội chú tâm nhiều nhất. Ông Lê Duy Thiện, trưởng ban Truyền thông của Hội cho biết:
“Từ đầu tới giờ chương trình chính Việt Tộc nhấn mạnh nhất vẫn là chương trình về học vấn tại vì Việt Tộc quan niệm là chỉ có qua con đường học vấn mới thực sự có thể giúp đồng bào thoát khỏi cảnh khó khăn hiện nay còn việc cứu trợ, những giúp đỡ khác chỉ là cấp bách trong lúc họ quá thiếu thốn, quá cơ cực thôi.”
Hội Việt Tộc nỗ lực giúp học bổng cho các em về lâu về dài, cho đến khi các em tốt nghiệp, có một nghề để không những giúp cho bản thân và gia đình mà còn có thể quay về giúp cho bản làng cũ nữa. Ông Lê Duy Thiện nói:
“Cho đến bây giờ đã có những em đi học các trường đại học hay cao đẳng ở Sài Gòn và các tỉnh. Có em năm tới sẽ ra trường bác sĩ ở Sài Gòn. Thành ra Hội Việt Tộc nhắm cố gắng theo dõi các em cho tới cùng đích để các em có thể giúp đỡ lại cho buôn làng của mình.”
Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó chủ tịch Hội Việt Tộc cho biết hiện nay đã có một em tốt nghiệp ngành sư phạm tình nguyện về dạy học tại buôn làng quê em:
“Năm nay có một em xong đại học rồi, thành cô giáo trở về buôn dạy các em trở lại. Mục đích Hội Việt Tộc là muốn đào tạo ra các em như vậy. Em đó trở lại thì Hội Việt Tộc bảo trợ trả tiền lương cho em.”
Đối với việc giúp xây dựng hẳn một ngôi trường tại một buôn làng nào đó, ông Thiện cho biết trong tình hình hiện tại, Hội Việt Tộc chưa làm được việc này.
Được sự giúp đỡ của nhiều mạnh thường quân và qua các buổi gây quỹ, Hội Việt Tộc đã có thể gia tăng các học bổng cho các em đồng bào dân tộc tại Tây Nguyên trong mười năm qua. Từ 300 học bổng trong niên khóa 2001-2002, hội đã cấp được 1277 học bổng trong niên khóa 2010-2011.
Tuy nhiên thành quả lớn nhất của hội là thay đổi cách nhận thức của các em. Trong đêm gây quỹ ngày Chủ Nhật 18 tháng 9 vừa qua tại Maryland. Linh mục Trần Công vang cho biết:
“Lần đầu tiên về với vùng trời Tây Nguyên, vào sống trong các buôn làng, chia sẻ từng miếng cơm, những miếng lá mì, ngủ chung trên những sàn nhà, ra vườn, ra đồng cùng với các em, câu hỏi đặt ra cho các em vùng Tây Nguyên là lớn lên con muốn làm gì, các em trả lời rất chân thành là thưa cha lớn lên con sẽ đi chăn bò, con sẽ đi lượm phân.”
Suy nghĩ của các em sắc tộc thay đổi hẳn sau vài ba năm Hội Việt Tộc cấp học bổng giúp các em có thể cắp sách đến trường. Linh mục Trần Công Vang cho biết cùng một câu hỏi lớn lên con muốn làm gì, Linh mục nhận được câu trả lời khác lúc trước:
“Các em nói rằng thưa Cha lớn lên con thích làm cô giáo, con muốn làm thầy giáo. Con muốn khi ra trường có một nghề trong tay để có thể lo cho cha, cho mẹ, cho buôn làng của con.”
Ngay cả cha mẹ các em cũng nhận thức được tầm quan trọng của học vấn đối với con em của mình.
“Một trong những đóng góp của Hội Việt Tộc là tạo được ý thức để cho rất nhiều anh chị em các vùng trên Tây Nguyên bây giờ nhận ra được rằng qua những giúp đỡ của các ân nhân các nơi, không những của Hội Việt Tộc mà còn của những hội từ thiện khác nữa thì đồng bào nghiệm ra được rằng phải có cái học mới có một tương lai tốt hơn. Nhiều cha mẹ bắt đầu xin cho con đi học và thay đổi lớn đó đang bắt đầu phát triển trên rất nhiều vùng bây giờ.”
Tối Chủ Nhật 18 tháng 9 vừa qua, Hội Việt Tộc đã tổ chức một đêm gây quỹ với chủ đề ‘Nhịp Cầu Yêu Thương’ tại nhà hàng New Fortune, Gaithersburg, Maryland để cấp học bổng cho con em đồng bào các sắc tộc thiểu số Tây nguyên thuộc vùng Lâm Đồng, Gia Lai và Buôn Ma Thuột. Trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này, Hà Vũ mời quý vị theo dõi một số hoạt động của Hội Việt Tộc.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1