Đường dẫn truy cập

Blogger Mẹ Nấm: Tại sao lại phải từ bỏ quyền được nói điều mình suy nghĩ?


Blogger Mẹ Nấm sẽ tiếp tục viết lên những điều trăn trở của một công dân vì cho rằng đó là trách nhiệm của một người Mẹ.
Blogger Mẹ Nấm sẽ tiếp tục viết lên những điều trăn trở của một công dân vì cho rằng đó là trách nhiệm của một người Mẹ.

Cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, người từng bị bắt tạm giam hồi tháng 9 năm 2009 vì đã có những bài blog viết về những chủ đề mà chính quyền coi là nhạy cảm như vấn đề bauxite Tây Nguyên hay vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa, mới đây đã được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng Hellman/Hammet, một giải thưởng để vinh danh những cây bút dũng cảm từng bị chính quyền trấn áp. Blogger Mẹ Nấm cũng đã từng bị giới hữu trách từ chối cấp hộ chiếu và không cho phép xuất cảnh, nhưng cô đã không ngừng khiếu nại để đòi lại quyền lợi chính đáng của một công dân.

VOA: Xin chào chị Như Quỳnh, xin phép được hỏi chị từ khi bị tạm giam giữ rồi được thả đến nay cuộc sống của chị ra sao ạ?

Như Quỳnh: Sau khi bị tạm giữ thì cuộc sống gia đình nó cũng có chút xáo trộn, công việc nói chung cũng có xáo trộn. Những khó khăn thì không ai gọi tên hết được, nhưng nói chung là có thay đổi so với trước, thậm chí các mối quan hệ như bạn bè thì nhiều người cũng kiêng dè với mình hơn ngày xưa.

VOA: Năm ngoái, chị đã đồng ý ngưng viết blog như một điều kiện để được trả tự do, sau đó chị viết trên blog của mình rằng chị hứa sẽ không viết blog nữa, nhưng gần đây chị lại tiếp tục viết blog, tại sao chị lại thay đổi quyết định của mình vậy?

Như Quỳnh: Thiệt ra sau khi mình trở về nhà 2 ngày thì mình đã đưa ra quyết định không viết blog nữa, vì trong cam kết mà phía an ninh buộc chồng mình phải ký có một đoạn cam kết “không để vợ tôi viết blog nói xấu nhà nước nữa”. Mình là phụ nữ mà, nên cái quan trọng nhất trong gia đình là phải giữ hòa khí, vì vậy mình chọn việc từ bỏ viết blog để giữ hòa khí trong gia đình là cái thứ nhất. Cái thứ hai, khi làm việc thì an ninh họ cũng gợi ý là mình dừng viết blog đi, đừng có viết blog nữa. Mình nghĩ thời điểm đó mình dừng viết blog là vì gia đình, vì một cuộc sống yên ổn như một người bình thường khác.

Cho đến khoảng tháng 2/2010 thì mình xin cấp hộ chiếu, khi nhận hồ sơ của mình thì giấy tờ bình thường thôi, nhưng đến chiều họ lại báo là do có thông báo yêu cầu từ phía cơ quan an ninh điều tra từ tỉnh Khánh Hòa thì mình chưa được phép xuất cảnh, cho nên họ không cấp hộ chiếu cho mình được. Cái điều đó nó làm mình cảm thấy khó chịu, bởi vì khi mà mình được trả tự do trở về nhà, mình cảm thấy mình không được tự do lắm vì cuộc sống vẫn bị dòm ngó và việc không cấp hộ chiếu cho mình thì giống như mình không có đủ quyền của một công dân bình thường. Cho nên mình nghĩ mình đã hứa là mình không viết blog nữa, nhưng họ vẫn chưa xem mình là một công dân bình thường, vì vậy tại sao mình lại phải từ bỏ cái quyền được nói điều mình suy nghĩ, cho nên mình viết blog lại.

VOA: Khi đó chị có sợ rằng việc không giữ lời hứa này sẽ gây thêm khó khăn cho mình không?

Như Quỳnh: Thật sự là cái cảm giác sợ hãi nhất của một con người có lẽ là cảnh tù tội, mất tự do, và khi mình đã trải qua cái cảm giác mất tự do rồi thì mình nghĩ là không có nỗi sợ hãi nào có thể lớn hơn được nỗi sợ hãi đó.

VOA: Còn bây giờ chị đã được cấp hộ chiếu rồi phải không ạ?

Như Quỳnh: Mình đã được cấp hộ chiếu hôm thứ Hai vừa qua.

VOA: Vậy là do giới hữu trách họ thay đổi quyết định, thay đổi thái độ hay là có lý do gì khác ạ?

Như Quỳnh: Mọi người nói có thể là nhiều lý do, đặc biệt là việc mình trả lời phỏng vấn đài CNN trong câu chuyện về một blogger Việt Nam. Nhưng thực sự thì mình vẫn muốn tin rằng cơ quan an ninh điều tra họ có người thực sự biết lắng nghe và biết sửa sai. Bởi vì thái độ làm việc sau này của họ đối với mình rất nhẹ nhàng. Cho nên dù có lý do A, B, C, D nào đó thì mình vẫn muốn tin là cơ quan an ninh điều tra họ đã biết lắng nghe, dù là muộn màng.

VOA: Ngoài ra, chị có làm đơn khiếu nại lên cơ quan nào khác không ạ?

Như Quỳnh: Có, sau khi không được cấp hộ chiếu thì mình có làm đơn gửi thẳng lên ông giám đốc công an tỉnh Khánh Hòa, tức là người chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ cơ quan an ninh ở Nha Trang, thì mình có nói về việc mình không được cấp hộ chiếu. Lúc đó mình nghĩ không phải mình đòi hộ chiếu mà là mình nghĩ phải có lý do chính đáng chứ không phải đề nghị chung chung, bởi vì mình có gửi cho ông ấy cả quyết định trao trả tự do nữa, thì mình muốn biết chính xác là tại sao mình không được cấp hộ chiếu, chứ không phải từ đơn vị cấp hộ chiếu là PA35 họ nói một lý do chung chung như vậy, mình thấy không thỏa đáng thì mình khiếu nại lần thứ nhất. Nhưng sau đó im lặng không có sự hồi đáp nào hết, khoảng hai tháng cho đến khi mình xuất hiện trên CNN, thì mình gửi tiếp đơn khiếu nại lần thứ hai, thì họ mời mình lên làm việc rất là nhẹ nhàng.

VOA: Sau vụ việc này chị rút ra được kinh nghiệm gì?

Như Quỳnh: Cái chuyện không được cấp hộ chiếu mình nghĩ là có thủ tục khiếu nại. Vì vậy những ai, những trường hợp nào không được cấp hộ chiếu hoặc bị tịch thu hộ chiếu một cách trái phép, mình gọi là trái phép tức là mình ra sân bay rồi bị tịch thu hộ chiếu, thì mình nghĩ nên kiên nhẫn và làm đơn khiếu nại, vì công an thì cũng phải theo luật pháp thôi. Mình có quyền phản đối và đừng có im lặng. Mình có gặp nhiều trường hợp rồi, họ hứa hẹn là sẽ cấp, để qua thời điểm này, thời điểm kia, thời điểm nhạy cảm, hoặc qua vụ này sẽ cấp hộ chiếu, nhưng mà đừng bao giờ thỏa hiệp với những lời hứa như vậy, bởi vì khi mà mình dễ dãi thỏa hiệp với một lời hứa mà không có văn bản, thì những người đai diện luật pháp, đơn giản ở đây là công an, thì họ sẽ có cơ hội để tạo ra tiền lệ xấu là tiếp tục giữ im lặng trước sự đòi hỏi quyền lợi công dân chính đáng của mình.

VOA: Khi không được cấp hộ chiếu chị đã viết blog lại, giống như một cách để bày tỏ sự phản đối, bây giờ đã được cấp hộ chiếu rồi, chị có định tiếp tục viết blog nữa không thưa chị?

Như Quỳnh: Thực sự cái mục đích của mình viết blog hay trả lời phỏng vấn thì nó không phải là vấn đề hộ chiếu, vì từ xưa đến giờ những điều mình viết nó là một cái trăn trở hay bức xúc rất bình thường của một công dân thôi. Xã hội mà, phải có phản biện thì nó mới tốt đẹp chứ! Cho nên mình nghĩ mình sẽ tiếp tục viết blog vì mong muốn một sự thay đổi tốt đẹp hơn cho xã hội Việt Nam hiện tại thôi.

VOA: Và chị sẽ tiếp tục viết về các đề tài được cho là nhạy cảm?

Như Quỳnh: Nếu như nhà nước vẫn tiếp tục bỏ qua các ý kiến của các chuyên gia, như vấn đề bauxite hay vấn đề chủ quyền, nếu như mà cứ để quyền lợi của người dân Việt Nam giống như ngư dân Việt Nam bị bắn, bị giết, mà nhà nước vẫn im lặng, không có động thái nào mạnh mẽ hơn, thì mình nghĩ là không chỉ mình mà tất cả các blogger Việt Nam sẽ tiếp tục viết những đề tài được cho là nhạy cảm.

VOA: Chị từng viết “nếu tôi có can đảm như những những nhà ái quốc đi trước, thì trang blog này sẽ còn tiếp tục”, và bây giờ trang blog đang được tiếp tục, phải chăng giờ đây chị đã lấy lại được can đảm?

Như Quỳnh: Mình thì mình không nghĩ như vậy, ở cái thời điểm mà người ta sợ hãi hoặc là để bảo toàn cái hạnh phúc gia đình mình thì người ta buộc phải đưa ra sự lựa chọn, tuy nhiên, khi những người thân trong gia đình có thể ngồi xuống lắng nghe nhau là một, cái thứ hai là vì tương lai của con cái nữa. Tương lai của chính mình thì có thể gần quá rồi, gần nửa đời người rồi, nhưng còn tương lai của con cái nữa, mình không nghĩ là mình can đảm đâu, đó là trách nhiệm của một người Mẹ thôi.

VOA: Chị là một trong 6 cây bút Việt Nam được Human Rights Watch trao giải thưởng Hellman/Hammett năm nay, chị có thể cho biết cảm tưởng của chị khi được nhận giải thưởng này được không ạ?

Như Quỳnh: Thực sự mình rất là bất ngờ khi mình được nhận giải thưởng, bởi vì từ xưa đến giờ giải thưởng này đều dành cho các nhà văn. Mình bất ngờ và vinh dự vì được là một trong hai blogger được nhận giải thưởng này.

VOA: Chị có sợ giải thưởng sẽ đem đến cho chị thêm rắc rối không?

Như Quỳnh: Thật sự là mình không nghĩ là nó sẽ rắc rối nhiều, nhưng những người xung quanh mình hàng ngày ai cũng nói là nó sẽ rắc rối, nên mình cũng hơi sợ. Tại vì mình nghĩ rằng giải thưởng này nó là vinh dự đối với cá nhân mình, nhưng mà đối với một đất nước mà có nhiều công dân nhận được giải thưởng của Human Rights Watch thì thực sự nó là điều đáng buồn, nếu không muốn nói là điều đáng xấu hổ cho sự tự do, dân chủ của nước đó. Mình thì mình ước là nếu có thể đổi được vinh dự của cá nhân mình thì mình muốn là năm sau và nhiều năm tới nữa Human Rights Watch không vinh danh bất kỳ người Việt Nam nào nữa tại vì Việt Nam đã có sự tiến bộ về tự do và dân chủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG