Ông Phạm Minh Hoàng, một giảng viên Toán ứng dụng tại Đại học Bách khoa TPHCM, mới bị bắt giữ hôm 13/8 vì ‘bị cáo buộc có liên hệ với một đảng phái chính trị bị cấm hoạt động ở Việt Nam’.
Vợ nhà giáo 55 tuổi từng tu nghiệp ở Pháp, bà Lê Thị Kim Oanh, cho biết, trước khi bị bắt, giới hữu trách đã cảnh báo ông Hoàng rằng, ‘ông sẽ bị bắt nếu không thừa nhận là thành viên của đảng Việt Tân’ có trụ sở ở hải ngoại.
Trả lời VOA Việt Ngữ ngày 17/8, bà Oanh cho biết ‘công an mời hai vợ chồng bà lên điều tra hôm 11/8’.
Bà Oanh nói: "Họ điều tra tôi ở một nơi, chồng tôi ở một nơi. Trong cuộc điều tra, họ cho chúng tôi biết là phải khai nhận có phải đảng viên của đảng Việt Tân hay không. Chúng tôi không phải đảng viên của đảng Việt Tân thì chúng tôi phải khẳng định là không. Họ nói là đã có bắt giữ một người bạn thân của chúng tôi đã khai ra hết rồi, và bảo chúng tôi thành thực khai báo đi thì sẽ được hưởng khoan hồng. Dù có hưởng khoan hồng đi chăng nữa thì chúng tôi không phải là đảng viên của Đảng Việt Tân, chúng tôi không việc gì chúng tôi phải nhận, cho nên chúng tôi nhất quyết không nhận mình là Đảng viên của Đảng Việt Tân. Sau đó, tới ngày tối 12, họ có mời tôi từ nơi điều tra của tôi qua chỗ chồng tôi, và nói là tôi viết đơn bảo lãnh cho chồng tôi về, và nói rằng đêm nay hai vợ chồng thành thực khai báo đi và thành thực khai báo thì họ sẽ cho chế độ khoan hồng, còn nếu chồng tôi từ chối hợp tác, không thật thà khai báo, thì họ sẽ đọc lệnh bắt khẩn cấp chồng tôi. Rõ ràng cái việc đó làm cho chúng tôi rất là lo sợ, nhưng chúng tôi nói với nhau rằng mình không có tội thì không có gì phải sợ hết. Qua ngày hôm sau, chồng tôi khẳng định, anh không phải là đảng viên của Đảng Việt Tân, thì tới chiều 18 giờ, họ dẫn tôi và chồng tôi từ nơi điều tra về nhà, đọc lệnh khám xét và bắt khẩn cấp chồng tôi. Ngày bị bắt giữ là ngày 13/8."
Bà Oanh cho biết, trong khi tiến hành bắt giữ ông Hoàng, cảnh sát đã đọc ‘luật số 79’ nhưng bà ‘không nghe được hết chi tiết’.
Bà Oanh nói tiếp: "Thật sự cái lúc đó tôi hoảng loạn lắm. Tôi thấy người ta kéo về rất là đông và đọc lệnh bắt khẩn cấp chồng tôi là tôi bàng hoàng rồi. Tôi không có được tỉnh táo cho nên bây giờ tôi không nhớ rõ, thực sự là tôi không nhớ rõ là họ đọc lệnh bắt khẩn cấp như thế nào. Tôi có nghe là luật số 79 còn chi tiết họ đọc dài phía sau thì tôi không biết."
Được biết, Điều 79, Bộ Luật Hình sự, cấm ‘các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Trong lá thư kêu cứu được phổ biến rộng rãi trên Internet, bà Oanh, 46 tuổi, cho biết ông Hoàng ‘sang Pháp du học từ năm 1973’ và đã trở về nước ‘vào cuối thập niên 90’ vì ‘mong góp phần xây dựng tương lai tươi sáng cho giới trẻ Việt Nam’.
Bà Oanh cho biết ông Hoàng ‘từng ký vào lời kêu gọi ngừng dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên’, và ‘đã tham gia buổi tọa đàm về Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn vào ngày 24 tháng 7 năm 2009’ vì ‘cảm thấy bức xúc’.
Cũng trong lá thư này, bà Oanh viết: ‘Là một nhà giáo yêu nước, quan tâm đến các vấn đề giáo dục, môi sinh và chủ quyền đất nước, chồng tôi đã sống một cách lương thiện và trong sáng, nhưng nhà nước đã đáp lại bằng việc bắt giữ chồng tôi, mà không đưa ra được một bằng chứng nào cụ thể để kết tội, ngoài việc điều tra về các mối liên hệ bạn hữu của chồng tôi khi còn ở bên Pháp và việc tổ chức các khóa học miễn phí về kỹ năng mềm cho các em sinh viên trong thời gian qua’.
Trả lời VOA Việt Ngữ về các dự định sắp tới, bà Oanh cho biết ‘bà đã liên hệ với luật sư để giải quyết vụ việc này’.
Bà Oanh nói: "Tôi là một phụ nữ chân yếu, tay mềm, tôi không biết làm gì hết cả. Cho nên việc đầu tiên tôi làm là viết lá thư kêu cứu, còn việc thứ hai là tôi có ý định mời luật sư thì hôm nay là ngày đầu tiên tôi đến làm việc với luật sư. Tại vì cái ngày đầu tiên họ mời tôi lên điều tra, khi mà nói tới điều đó thì họ nói rằng, ‘mời luật sư là quyền của chị, nhưng mà chúng tôi cũng cho chị biết trước là, đây là một vấn đề có liên quan tới an ninh quốc gia, thì chúng tôi có quyền từ chối luật sư, cho tới khi giai đoạn điều tra kết thúc thì luật sư mới được gặp chồng tôi."
Theo hãng tin DPA, trong thời gian bốn năm qua, giới hữu trách ở Việt Nam đã bắt giữ hàng chục nhà hoạt động dân chủ cũng như các blogger độc lập. Nhiều người trong số họ bị kết án nhiều năm tù giam.
Hãng tin của Đức còn cho rằng nhiều người bị tống giam vì bị cáo buộc là thành viên của Đảng Việt Tân, vốn bị Việt Nam coi là một tổ chức khủng bố.
Nguồn: DPA, VOA
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1