Một đảng chính trị bị giới hữu trách Việt Nam cấm hoạt động thừa nhận rằng một nhân vật bất đồng chính kiến bị bắt hồi tháng trước với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” là đảng viên của họ.
Theo tin của các hãng thông tấn Đức và Pháp, ông Phạm Minh Hoàng, giảng viên môn toán tại Đại học Bách khoa Sài Gòn, đã bị bắt vào ngày 13 tháng 8. Vợ ông là bà Lê Thị Kim Oanh nói rằng công an cáo buộc ông Hoàng là đảng viên đảng Việt Tân, một chính đảng của người Việt ở nước ngoài tranh đấu cho dân chủ đa đảng ở Việt Nam.
Thoạt đầu ông Hoàng và bà Oanh nói rằng ông không phải là đảng viên Việt Tân. Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí do văn phòng Việt Tân ở Washington công bố hôm thứ Năm, đảng này cho biết ông Hoàng là một trong 4 đảng viên của họ bị bắt ở Việt Nam trong thời gian gần đây.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng từng dùng bút danh để đăng tải trên internet những bài viết chỉ trích chính phủ Việt Nam. Bà Lê Thị Kim Oanh cho hay cảnh sát đã tố cáo chồng bà vi phạm Điều 79 Bộ Luật Hình sự, là điều khoản ngăn cấm những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.
Đảng Việt Tân cho biết họ tiến hành hoạt động tranh đấu bất bạo động, nhưng chính phủ Việt Nam xem đảng này là một tổ chức khủng bố.
Thông cáo của Đảng Việt Tân nói rằng “Việc gán ghép những người yêu nước, tranh đấu ôn hòa, bất bạo động vào tội ‘hoạt động âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’ hay những tội danh khác theo luật hình sự của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam là những cáo buộc hoàn toàn phi lý, sai sự thật và phản dân chủ”.
Trong thông cáo này, Đảng Việt Tân còn cho biết 3 đảng viên khác của họ cũng đã bị bắt hồi tháng 7 và tháng 8. Ba người này là Mục sư Dương Kim Khải, 52 tuổi, thuộc Hội thánh Tin lành Menonite, bị bắt tại Sài Gòn; bà Trần Thị Thúy, 39 tuổi, làm nghề mua bán nhỏ, bị bắt ở Đồng Tháp; và ông Nguyễn Thành Tâm, 57 tuổi, nông dân, bị bắt ở Bến Tre.
Theo ghi nhận của hãng thông tấn Đức, chính phủ Cộng Sản Việt Nam thường gia tăng việc bắt bớ những nhân vật hoạt động chính trị trong thời gian trước Đại hội Đảng, tổ chức 5 năm một lần. Đại hội kỳ tới sẽ diễn ra vào đầu năm 2011.
Phần lớn những nhân vật bất đồng chính kiến bị bắt trong vài năm gần đây đã chỉ trích việc chính phủ Việt Nam để cho Trung Quốc tiến hành các dự án khai quặng bô xít ở vùng Tây Nguyên và đòi hỏi nhà chức trách có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong vụ tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nguồn: AFP, DPA, VietTan.org
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1