Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ nêu vấn đề nhân quyền với Trung Quốc và Việt Nam


Các nhà lập pháp Mỹ cùng với các nhân vật hoạt động tích cực cho nhân quyền đã hối thúc bà Clinton lên tiếng mạnh mẽ hơn về nhân quyền.
Các nhà lập pháp Mỹ cùng với các nhân vật hoạt động tích cực cho nhân quyền đã hối thúc bà Clinton lên tiếng mạnh mẽ hơn về nhân quyền.

Hoa Kỳ cho biết hôm thứ 6 là họ sẽ nêu lên mối quan tâm về nhân quyền với Trung Quốc và Việt Nam, kể cả trường hợp của khôi nguyên giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba, khi Ngoại trưởng Hillary Clinton đến thăm hai nước này.

Theo tin của hãng thông tấn Pháp, các nhà lập pháp Mỹ cùng với các nhân vật hoạt động tích cực cho nhân quyền đã hối thúc bà Clinton lên tiếng mạnh mẽ hơn về nhân quyền trong lúc chính phủ của Tổng thống Barack Obama ra sức vun bồi tình thân hữu với Việt Nam và cải thiện các mối quan hệ với Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Philip Crowley cho hay Ngoại trưởng Clinton đã đến Việt Nam hôm thứ 6 để tham dự một hộïi nghị thượng đỉnh khu vực, và bà đã thảo luận với phía Việt Nam về nhiều vấn đề khác nhau kể cả vấn đề nhân quyền.

Ông Crowley cho báo chí biết rằng hồi gần đây đã xảy ra những trường hợp bắt giữ các nhà báo, các blogger và những nhân vật tranh đấu ở Việt Nam, và chính phủ Hoa Kỳ cho rằng điều này đi ngược với cam kết của Việt Nam đối với các tiêu chuẩn về quyền con người được quốc tế công nhận, trong đó có quyền tự do ngôn luận.

Ông Crowley không cho biết là bà Clinton có đề cập tới vấn đề nhân quyền với Trung Quốc khi đến thăm đảo Hải Nam trong tuần này hay không. Nhưng ông nói rằng những mối quan tâm về nhân quyền chắc chắn sẽ được nêu lên trong chuyến viếng thăm sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Hoa Kỳ. Ông nói rằng Hoa Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc trao tặng giải Nobel cho ông Lưu Hiểu Ba và điều này chắc chắn sẽ được đề cập tới trong các cuộc thảo luận với phía Trung Quốc.

Trước đó trong ngày thứ 6, Hội Ký Giả Không Biên Giới, RSF đã gửi thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nhân chuyến đi Việt Nam, kêu gọi bà hối thúc nhà chức trách Việt Nam trả tự do cho các nhà báo và các blogger đang bị cầm tù; đồng thời gợi ý bà can thiệp các trường hợp cụ thể của các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Phạm Minh Hoàng.

Thông cáo báo chí của RSF cho hay luật sư Lê Công Định, một người có bài viết trên mạng đang lãnh án tù 5 năm.
Nguyễn Tiến Trung, một blogger hoạt động dân chủ đang thọ án tù 7 năm. Cả hai sẽ bị quản chế 3 năm sau khi mãn án.

Phạm Minh Hoàng, một blogger mang song tịch Pháp Việt đã bị chính thức khởi tố ngày 29 tháng 9 sau khi bị giam 6 tuần. Vợ của ông Hoàng nói rằng lý do chính khiến chồng bà bị bắt là vì ông phản đối công ty Trung Quốc khai thác mỏ bô-xít ở cao nguyên, gây nguy hại cho môi trường.

Các nhà báo và blogger khác nói về đề tài này cũng bị giam, trong đó có ông Bùi Thanh Hiếu.

RSF nói rằng trong bài diễn văn lịch sử hồi tháng giêng vừa qua, bà Clinton xác định rõ ràng Hoa Kỳ ủng hộ quyền tự do phát biểu ý kiến online; và Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ công cụ này để phát triển kinh tế và xã hội.

RSF kêu gọi bà hãy bênh vực các nguyên tắc này trong khi tiếp xúc với nhà chức trách Việt Nam, quốc gia đang là nhà tù lớn thứ nhì về giam cầm cư dân mạng với tổng cộng 16 người viết bài trên mạng và 3 nhà báo đang bị giam cầm.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG