Cuối cùng, Chủ tịch tỉnh An Giang cũng ra lệnh ngưng thực hiện kế hoạch sử dụng... 400 người để... thử tải cầu bộ hành Nguyễn Thái Học bắc qua sông Long Xuyên, nối phường Mỹ Bình và phường Mỹ Hòa ở trung tâm thành phố Long Xuyên (1).
Cầu Nguyễn Thái Học phần dành cho khách bộ hành dài 120 mét, không thẳng mà uốn lượn nên có chỗ rộng 5,7 mét, có chỗ rộng 9,5 mét. Dọc phần cầu chỉ dùng để thả bộ này bày cây kiểng, ghế ngồi, trên có mái che và được quảng bá là “công viên nổi trên sông”.
Việc xây dựng cầu Nguyễn Thái Học bắt đầu hồi 2019, hoàn tất năm 2021 và được khen là nhanh vì bàn giao trước thời hạn chừng một năm. Chi phí xây dựng cầu Nguyễn Thái Học được ước tính là hơn 200 tỉ đồng...
Tuy nhiên chỉ sáu tháng sau khi khánh thành, cầu bộ hành Nguyễn Thái Học có dấu hiệu hư hỏng nặng (dầm ngang rỉ sét, mối hàn nứt,...). Người ta còn phát giác nhà thầu đã thi công không đúng thiết kế...
Đó là lý do Công an An giang quyết định tổ chức điều tra xem có “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” hay không? Bước đầu tiên của tiến trình điều tra là... thử tải.
Cuối tháng trước (29/3/2023), một viên đại tá là Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã gửi công văn cho Chủ tịch thành phố Long Xuyên, yêu cầu “phối hợp, hỗ trợ trong việc giám định cầu bộ hành thuộc dự án xây dựng cầu Nguyễn Thái Học”.
“Biện pháp nghiệp vụ” mà Công an An Giang sử dụng là huy động 400 người, tổ chức... cân từng người rồi để cho họ tới lui, trụ lại trên cầu xem cầu có sụp không! Hôm 4/4/2023, một viên trung tá là Trưởng Công an thành phố Long Xuyên bảo với báo giới là Công an An Giang đã phối hợp với Thành Đoàn TNCS thành phố Long Xuyên huy động đủ 400 Đoàn viên TNCS để tổ chức... cân từng người và sẽ thực hiện... “biện pháp nghiệp vụ” này!
Tuy nhiên viên trung tá vừa kể còn than là đang... “có nhiều ý kiến trái chiều trước việc sử dụng người thử tải trọng của cầu bộ hành nên chưa biết có thực hiện như kế hoạch được hay không” (2).
Đúng là đã “có nhiều ý kiến trái chiều” về việc “sử dụng người thử tải trọng”. Dường như trong lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử lĩnh vực xây dựng nói riêng, chỉ ở Việt Nam và chỉ có... Công an nhân dân Việt Nam mới nghĩ ra và dám dùng phương thức này như một... “biện pháp nghiệp vụ” bất kể điều đó có thể gây nguy hại đến tính mạng của 400 đồng loại. Cũng có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có 400 thanh niên sẵn sàng đem tính mạng của mình ra... thử tải. Ít nhất Đoàn viên TNCS cũng có điểm... hơn người!
***
Trước giờ, công an nhân dân (bao gồm cả an ninh nhân dân và cảnh sát nhân dân) Việt Nam vẫn tự xếp tất cả các loại việc họ thực hiện hàng ngày để bảo vệ - thực thi pháp luật, duy trì an ninh – trật tự - trị an là những “biện pháp nghiệp vụ”.
Nhãn... “biện pháp nghiệp vụ” giúp công an nhân dân Việt Nam... sang trọng hơn đồng nghiệp ở các quốc gia khác trên thế giới. Trên thực tế, Công an nhân dân Việt Nam sử dụng rất nhiều... “biện pháp nghiệp vụ” mà đồng nghiệp ở các quốc gia khác trên thế giới không dám áp dụng hay cách thức quản trị - điều hành xã hội khiến họ không có khả năng áp dụng. Chẳng hạn dùng phân người trộn với nhớt thải tạt vào nhà các “đối tượng” được xếp vào loại nguy hại cho... “an ninh quốc gia” để thân nhân của “chúng” kinh hãi, gây áp lực buộc “chúng” ngưng chống phá! Chẳng hạn có thể buộc nhiều cá nhân... “cúi đầu thừa nhận” đã giết người, cưỡng hiếp,... cho dù họ không phải là thủ phạm. Những Nguyễn Thanh Chấn, Bùi Minh Hải, Trần Văn Chiến, Nguyễn Minh Hùng (3), Hàn Đức Long (4), Huỳnh Văn Nén (5),... chính là những ví dụ hết sức cụ thể cho các “biện pháp nghiệp vụ” mà không lực lượng bảo vệ - thực thi pháp luật nào trên thế giới có thể sánh với Công an nhân dân Việt Nam!
May cho Công an nhân dân Việt Nam là chỉ tại Việt Nam mới có những viên chức cao cấp trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bất chấp oan khiên ngút trời, ưỡn ngực tự hào tuyên bố kiểu như: “Cơ quan điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh” và... “không thể tuyệt đối hóa việc xử đúng” (6). Bởi đã trót lạm bàn về “các biện pháp nghiệp vụ” của lực lượng... “nhất thế giới” nên phải nói qua về một khía cạnh khác của “các biện pháp nghiệp vụ” mà công an Việt Nam vẫn tận dụng. Đó là ngoài răn đe, tạo thành tích, “các biện pháp nghiệp vụ” còn được nhiều thành viên của lực lượng công an nhân dân Việt Nam sử dụng để làm... giàu!
Hồi tháng 2 dư luận Việt Nam rúng động khi ông Đỗ Hữu Ca, Thiếu tướng – cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng bị bắt vì “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Chuyện “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phát sinh từ vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” và “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhiệt điện Đông Triều thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam. Trong quá trình điều tra, công an Quảng Ninh phát giác Công ty Nhiệt điện Đông Triều tham gia mua bán hóa đơn để “trốn thuế”. Khi điều tra thêm hoạt động “mua bán hóa đơn, chứng từ” thì phát giác Công ty Xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương (Công ty XDHT TBD) đứng phía sau một nhóm doanh nghiệp chuyên kinh doanh... “hóa đơn, chứng từ” trong hàng chục năm qua tại hàng chục tỉnh, thành phố với... “doanh số” đến 7.500 tỉ. Do vậy, vợ chồng, cháu ông chủ Công ty XDHT TBD và ba người khác bị bắt... Sau đó, thân nhân của vợ chồng ông chủ Công ty XDHT TBD tố cáo đã giao cho ông Ca 35 tỉ để... “chạy án” nhưng không hiệu quả như đã... đặt hàng!
Theo Công an Quảng Ninh, ông Ca nhìn nhận có nhận tiền nhưng... “không chủ động thông báo cho cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản, bàn giao lại số tiền mà giữ ở trong nhà” nên bị xem là... “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (7). Còn tháng này, sau khi Kết luận điều tra vụ án liên quan đến việc xem xét – phê duyệt – tổ chức thực hiện các chuyến bay “giải cứu” từ 4/2020 đến 1/2022 được công bố, thiên hạ biết thêm trường hợp ông Nguyễn Anh Tuấn – một thiếu tướng công an khác – cũng vì nhận tiền để giúp “chạy án” mà bị đề nghị truy tố vì “môi giới hối lộ”. Tính ra, viên Thiếu tướng là Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã nhận khoảng 2,6 triệu Mỹ kim để giúp hai doanh nhân dính líu đến việc tổ chức các chuyến bay “giải cứu” không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông Tuấn đã giữ lại 1,8 triệu Mỹ kim làm “thù lao” của mình, chỉ giao 800.000 Mỹ kim cho viên trung tá trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án “giải cứu” – để Trưởng phòng 5 của Cục An ninh Điều tra tính cách “giải cứu” hai doanh nhân.
Nếu sử dụng “các biện pháp nghiệp vụ” để làm án không mở đường cho “chạy án” thì làm gì có chuyện từ tướng, tá tới úy của lực lượng Công an nhân dân lũ lượt dắt díu nhau đi trên con đường ấy bất chấp tính chất của vụ án nghiêm trọng đến mức nào? Cứ dùng Google để search ắt sẽ thấy, “chạy án” và nhận tiền để làm án là một phần không thể tách rời “các biện pháp nghiệp vụ” của Công an nhân dân. Sẽ có người bảo rằng Công an nhân dân đang nỗ lực “chỉnh đốn” để làm “trong sạch đội ngũ” nên mới xử lý hàng loạt tướng, tá dính líu đến “chạy án” hay “nhận hối lộ” nhằm “làm sai lệch hồ sơ, bản chất các vụ án”... Song trước khi bảo như thế, có lẽ nên ngẫm nghĩ vì sao Công an nhân dân lại “đổ đốn” như vậy? Tại sao “chỉnh đốn” đã được tiến hành từ lâu nhưng cứ có án là “đối tượng” tính ngay đến chuyện “chạy”, cứ muốn “chạy” là sẽ có nhiều đồng chí vốn được trả lương để bảo vệ - thực thi pháp luật XHCN vẫn thản nhiên nhận “đơn đặt hàng” để lấy thù lao? Có nên tự hào khi... “nhất thế giới” về phương diện này chăng?
Chú thích
(2) https://vnexpress.net/hien-trang-cau-bo-hanh-tung-du-tinh-huy-dong-400-nguoi-thu-tai-4589517.html
(3) https://vnexpress.net/nhung-vu-an-oan-rung-dong-viet-nam-2906196.html
(5) https://tuoitre.vn/huynh-van-nen-vu-oan-sai-chua-tung-co-trong-to-tung-1013980.htm
(6) https://vnexpress.net/co-quan-dieu-tra-viet-nam-thuoc-hang-gioi-nhat-the-gioi-2906619.html
(7) https://tuoitre.vn/ong-do-huu-ca-nhan-bao-nhieu-ti-dong-de-chay-an-20230223081843984.htm
Diễn đàn