Đường dẫn truy cập

Bế tắc ngân sách ở Washington: Ðàm phán hay không đàm phán


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện John Boehner. Ông Boehner nói ông có thể để cho nước Mỹ bị vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử nếu Tổng thống Obama không tán đồng một thỏa hiệp về vấn đề chi tiêu của chính phủ liên bang.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện John Boehner. Ông Boehner nói ông có thể để cho nước Mỹ bị vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử nếu Tổng thống Obama không tán đồng một thỏa hiệp về vấn đề chi tiêu của chính phủ liên bang.
Vụ bế tắc tài chính ở Washington đã khiến chính phủ phải đóng cửa và gây nguy cơ Hoa Kỳ không trả được nợ. Nó cũng buộc các nhà lập pháp phải đối đầu với những vấn đề về chính quyền dân chủ: cụ thể như làm thế nào để hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản trong một cơ quan lập pháp đầy chia rẽ chính trị. Phần lớn sự bực bội ở trụ sở Quốc Hội xoay quanh vấn đề liệu có nên giải quyết vụ giằng co hiện thời qua thương thảo và dung hòa giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân chủ hay không.

Ðối thoại là cách thức lẽ ra phải sử dụng để giải quyết những bất đồng. Nhưng việc thương lượng để giải quyết những khủng hoảng tài chính hiện thời của nước Mỹ có phải là điều thích đáng hay không? Chủ tịch Hạ viện do đảng Cộng Hòa lãnh đạo, ông John Boehner trả lời là có.

Ông Boehner nói: “Người dân Mỹ trông đợi, khi các nhà lãnh đạo của họ có những bất đồng và khi chúng ta rơi vào một thời điểm khủng hoảng, thì chúng ta sẽ ngồi xuống và ít nhất mở một cuộc đối thoại. Thực vậy, thưa ngài Tổng thống, đã đến lúc phải mở một cuộc đối thoại trước khi nền kinh tế của chúng ta lâm vào tình trạng nguy hiểm hơn.”

Ông Boehner muốn Tổng thống Barack Obama và các đảng viên Dân chủ ở Quốc hội cứu xét các điều kiện của đảng Cộng Hòa để gia hạn việc cấp ngân khoản cho liên bang và nâng mức trần nợ của Hoa Kỳ. Các đảng viên Dân chủ đáp lại rằng để chính phủ tiếp tục hoạt động và trả các khoản nợ quốc gia phục vụ lợi ích cho cả hai đảng, và không nên dùng việc này để mặc cả giữa hai đảng.

Hơn nữa, theo các đảng viên Dân chủ, thương nghị và dung hòa đã diễn ra. Trưởng khối đa số Thượng viện Harry Reid cho biết ông và chủ tịch Boehner đã mở các cuộc thảo luận cách đây mấy tháng về sự cần thiết phải để cho chính phủ tiếp tục hoạt động sau ngày 1 tháng 10. Ông Reid nói ông đã miễn cưỡng phải đồng ý hạ thấp các ngân khoản do đảng Cộng hòa yêu cầu để họ chấp nhận bộ luật và tránh việc đóng cửa chính phủ. Tại diễn đàn Thượng viện hôm thứ hai, ông Reid mô tả các cuộc đối thoại trước của ông với ông Boehner như sau:

“Tôi đã đồng ý với con số chuẩn chi thấp hơn của ông ấy. Ðó là điều rất khó khăn đối với tiểu ban Dân chủ của chúng tôi. Nhưng đó là ý kiến của ông Boehner, chứ không phải ý kiến của tôi. Cứ bàn tới chuyện “không thương lượng. Tất cả mọi chuyện là như thế.”

Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình hôm chủ nhật, ông Boehner thừa nhận các cuộc thảo luận với ông Reid trước khi chính phủ đóng cửa. Chủ tịch Hạ viện nói một nhóm các đảng viên trụ cột của Cộng hòa không hài lòng với sự nhượng bộ của ông Reid, và đã yêu cầu bao gồm các biện pháp để làm suy yếu bộ luật bảo hiểm y tế của Tổng thống Obama trong cuộc tranh chấp về việc chuẩn chi cho chính phủ.

Nhưng mọi chuyện là khi đó còn bây giờ thì khác, theo nhận định của đảng viên Cộng hòa hàng đầu tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, nguời tuyên bố rằng Quốc hội đang lâm vào tình trạng bế tắc và chỉ có đối thoại giữa hai đảng mới giải quyết được tình trạng này.

Ông McConnell giải thích: “Dân chúng Mỹ đã cho chúng ta một chính phủ chia rẽ. Họ cho chúng ta một Hạ viện Cộng Hòa và một Thượng viện Dân chủ. Có nghĩa là việc thương lượng không phải là một xa xỉ phẩm. Ðó là một nhu cầu. Có thời điểm dành cho chính trị, và có thời điểm phải ngồi xuống như những người trưởng thành và giải quyết mọi chuyện.”

Phe Dân chủ đề nghị một con đường khác: ấy là Hạ viện biểu quyết về một dự luật chuẩn chi không có điều kiện nào hết đã được Thượng viện chấp thuận. Cho đến giờ này, Chủ tịch Boehner đã từ chối không chịu đưa dự luật ra biểu quyết. Nhiều người cho rằng sẽ có đủ đảng viên Cộng Hoà ôn hòa tại Hạ viện tham gia các đảng viên Dân chủ để bảo đảm dự luật được thông qua. Kết quả là phía Dân chủ nêu nghi vấn về sự cần thiết phải thương nghị để chấm dứt việc chính phủ đóng cửa khi đã có sẵn một giải pháp.

Nhưng Tổng thống Obama và các đảng viên Dân chủ đang làm áp lực một điểm lớn hơn: đó là không được để cho các mối quan ngại đảng phái làm cho chính phủ phải ngưng hoạt động. Thượng nghị sĩ Chris Murphy lập luận như sau:

“Nơi này không thể hoạt động nếu như, muốn chính phủ tiếp tục hoạt động trong 6 tuần nữa, chúng ta phải thỏa mãn mọi nghị trình chính trị cá nhân của tất cả mọi người. Nếu tất cả 100 thượng nghị sĩ phải giải quyết các điểm cụ thể về chính trị không có liên quan đến ngân sách như điều kiện để thông qua một luật chuẩn chi tạm thời, thì nơi này chắc chắn sẽ sụp đổ.”

Trong tình hình các hoạt động không cấp thiết của chính phủ bị đình trệ và một cuộc khủng hoảng về nợ nần sắp ụp xuống, không phải chỉ có các nhà lập pháp Mỹ mới lâm vào thế bế tắc về một giải pháp, mà nay họ còn không có cả khả năng đồng ý về một con đường để cuối cùng đi đến một giải pháp.

VOA Express

XS
SM
MD
LG