Đường dẫn truy cập

Bế tắc ngân sách vì nhóm Cộng hòa siêu bảo thủ ‘làm căng’


Một bức thư dài một trang, với chữ ký của gần một phần năm các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ, là một yếu tố dẫn đến tình trạng bế tắc chính trị hiện nay khiến chính phủ ngưng hoạt động. Quốc hội và Tổng thống Barack Obama không thể nhất trí tiếp tục cấp ngân quỹ cho chính phủ với việc phe Cộng hòa quyết tâm ‘dìm’ bộ luật chăm sóc y tế mang tính bước ngoặt của Tổng thống. Một số dân biểu Cộng hòa đầy quyền thế nói họ đang thuận theo mong muốn của cử tri.

Bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Washington, không gian vắng lặng; bên trong, tranh cãi quyết liệt. Phe Dân chủ ủng hộ tổng thống.

"Giờ ta tới tình cảnh nào rồi? Ta có một quốc gia tốt nhất thế giới và đã đến lúc phải khởi động lại rồi," dân biểu Dân chủ Peter Visclosky từ bang Indiana nói.

"Hạ viện đã thỏa hiệp hết lần này tới lần khác," dân biểu Cộng hòa Andy Barr bang Kentucky nhấn mạnh.

Siêu bảo thủ

Dân biểu Cộng hòa Barr thuộc nhánh siêu bảo thủ gọi là Tea Party. Phong trào này nổi lên trên chính trường Mỹ vào năm 2009 và giờ chen chân trở thành một lực lượng trong nội bộ Đảng Cộng hòa.

80 thành viên nhóm này (chiếm một phần ba số dân biểu Cộng hòa ở Hạ viện) đã ký tên vào một bức thư gắn việc bãi bỏ cải cách chăm sóc y tế với bất kỳ giải pháp nào giúp giữ chính phủ hoạt động.

Ông Barr cáo buộc phe Dân chủ đã thúc đẩy Quốc hội thông qua dự luật cải cách chăm sóc y tế vào năm 2010 khi Đảng Dân chủ chiếm thế đa số tại cả hai viện Quốc hội lúc đó. Ông nói cử tri bang Kentucky của ông không thích điều này.

"Tôi không thể phớt lờ biết bao nhiêu cuộc gọi, cuộc trò chuyện và trao đổi mà tôi nhận được từ cử tri của mình nói rằng Obamacare [luật chăm sóc y tế của Tổng thống Obama] gây tổn hại cho họ, cho doanh nghiệp và gia đình họ," ông nói.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz (giữa) được xem là kiến trúc sư chính của vụ giằng co ngân sách một mất một còn.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz (giữa) được xem là kiến trúc sư chính của vụ giằng co ngân sách một mất một còn.

Chống Obama

Theo website phân tích chính trị Cook Political Report, hầu hết trong số 80 dân biểu Cộng hòa đại diện những khu vực cử tri bỏ phiếu không giống như hầu hết những nơi khác ở Mỹ. Ví dụ, Tổng thống Obama chỉ nhận được 38 phần trăm số phiếu bầu trong khu vực ông Barr đại diện. Và trong khi cử tri cả nước đang trở nên đa dạng hơn, Cook Report nói những khu vực bầu cho đảng Cộng hòa đang có thêm nhiều cử tri da trắng.

Những nghị sĩ Cộng hòa với quan điểm bảo thủ ‘vừa phải’ đồng ý rằng luật Obamacare phải được thu hẹp lại nhưng phản đối chiến thuật của nhóm Tea Party, là bắt chính phủ ngưng hoạt động. Nhưng các nhà phân tích cho biết những nghị sĩ này phải dè chừng vì sợ gặp phải thách thức từ nhóm Tea Party nếu họ không ngả theo quan điểm nhóm này.

"Những nghị sĩ Cộng hòa có thể an toàn trong khu vực cử tri của họ với tư cách là ứng viên đảng Cộng hòa nếu đối đầu với một ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử. Nhưng bầu cử nội bộ đảng thì có lẽ không," ông John Fortier thuộc Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng giải thích.

‘Lỗi tại ông’

Trong khi đó, phe Cộng hòa và phe Dân chủ cáo buộc lẫn nhau là không thèm thỏa hiệp.

"Chúng tôi chỉ yêu cầu là ngồi xuống và thảo luận," Chủ tịch Hạ viện John Boehner khẳng định.

"Ông Chủ tịch, ông đóng cửa chính phủ liên bang rồi giờ còn muốn gì nữa?" dân biểu Dân chủ Colleen Hanabusa từ Hawaii chất vấn.

"Nền chính trị phân cực là vậy đó," nhà phân tích Fortier nhận xét. "Mức độ mà chính phủ bị chia rẽ. Cả hai đảng khác nhau rất nhiều. Có phần chắc là một phần tình trạng này sẽ trở thành chuyện bình thường."

Thế nên hiện tại các phe phái đang chờ đợi xem bên nào sẽ nao núng trước. Nhưng trong khoảng thời gian đó, chính phủ liên bang vẫn trong tình trạng hoạt động cầm chừng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG