Đường dẫn truy cập

Bạo động tôn giáo lan rộng ở Miến Điện


Nhà cửa bị phá hư hai trong vụ bạo động ở Okkan
Nhà cửa bị phá hư hai trong vụ bạo động ở Okkan
Bạo động tôn giáo đã lan tới nhiều ngôi làng ở mạn bắc thành phố Rangoon ở Miến Điện hồi đầu tuần này. Hai người đã thiệt mạng trong những vụ rối loạn làm cho hơn 100 căn nhà, cửa tiệm và đền thờ bị phá hủy. Dân chúng địa phương nói rằng vụ xung đột ở Okkan bùng ra khi một thiếu nữ Hồi giáo đi xe đạp đụng phải một chú tiểu Phật giáo 11 tuổi, làm chiếc bình bát khất thực của chú tiểu này bị vỡ. Không lâu sau đó, dân làng xung quanh đã bắt đầu tấn công người Hồi giáo.

Vụ bạo loạn ở Okkan cho thấy những mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa người Hồi giáo và những người theo Phật giáo có thể đưa tới những vụ bạo động trên diện rộng.

Một trong các cơ sở bị đập phá trong đợt bạo động đầu tiên hôm thứ ba là một ngôi trường Hồi giáo. Ông Lachman là một giáo viên của trường này. Ông đã trốn trong khuôn viên trường khi dân làng trang bị gậy gộc cuốc xẻng xông vào và bắt đầu đập phá. Ông cho biết thêm như sau.

Chúng tôi đã nghe nói về những gì đã xảy ra ở Meikhtila, nên chúng tôi không hề chống trả. Các nhân vật lãnh đạo tôn giáo của chúng tôi đã bảo chúng tôi là không được chống lại những kẻ phá hoại tài sản của mình mà phải bỏ chạy để bảo vệ mạng sống.

Vụ bạo động hồi tháng trước ở Meikhtila đã khiến cho hơn 10.000 người Hồi giáo phải rời bỏ nhà cửa để đến tạm trú ở những khu trại được canh gác mà những người nói rằng họ không được phép rời khỏi trại tạm cư. Giới hữu trách cho biết các trại này được lập ra để bảo vệ an toàn cho người theo đạo Hồi.

Vụ bạo động ở Meikhtila đã bùng ra khi một vụ cãi cọ giữa một người chủ tiệm vàng theo đạo Hồi với một khách hàng theo đạo Phật lan rộng thành những vụ đụng độ trên đường phố giữa hai cộng đồng tôn giáo. Một nhà sư đi trên một chiếc xe ôm đã bị giết chết trong làn sóng bạo động.

Giờ đây, 7 người đàn ông theo đạo Hồi đang bị truy tố vì liên can tới cái chết đó.

Nguời lái xe ôm đã thí phát qui y hai ngày sau đó, lấy pháp danh Ashin Nathiya, và đã ra tòa làm chứng.

Ông Nanthiya nói rằng khi ông chở nhà sư vào thị trấn, những người Hồi giáo tay cầm gậy gộc đã đe dọa ông, và sau đó, trong lúc hai người đang đi qua thị trấn, một người đàn ông đã xông tới đánh nhà sư này. Cuối cùng thì có một đám đông bu lại và 4 người theo đạo Hồi dùng xăng tưới vào người nhà sư rồi nổi lửa thiêu chết sau khi đã đánh đập nạn nhân.

Ông Nanthiya cho biết ông tin rằng những bị cáo trong vụ án nên bị tuyên án tử hình và ông nghĩ rằng tình hình sẽ tốt đẹp hơn nếu không có những người Hồi giáo sinh sống ở Meikhtila.

Một trong các bị cáo, anh Nyi Nyi Naing, chỉ mới 15 tuổi, bị tố cáo đã dùng gươm tấn công nhà sư. Khi ra tòa hồi tuần trước, bị cáo này đã rút lại lời nhận tội mà anh nói đã được đưa ra trong lúc bị căng thẳng. Cô Zinmar Win, người vợ của bị cáo trẻ tuổi này, hiện đang sống tại trại tản cư sau khi nhà cô bị đốt cháy trong vụ bạo loạn. Cô cho biết cô đã không được gặp chồng mình:

"Tôi không biết chồng tôi có phạm tội hay không. Nhưng tôi đã không thể gặp mặt anh ấy và tôi không biết anh ấy có bị tòa xét có tội hay không. Cho nên tôi tới tòa án để giáp mặt chồng tôi."

Bảy bị cáo này bị truy tố về tội sát nhân và cố ý đả thương và có phần chắc sẽ phải đối mặt với bản án tử hình. Hồi đầu tháng này, ba người Hồi giáo trong vụ bạo động ở tiệm vàng đã bị tuyên án 14 năm tù về tội trộm cắp, và tòa án nói rằng họ đã tuyên bản án nặng nề như vậy vì những vụ rối loạn xảy ra sau vụ trộm cắp.

Luật sư Thein Than Oo đại diện cho một số người trong số 7 bị cáo của vụ án giết hại nhà sư. Ông nói rằng 4 nghi can còn tại đào trong vụ án mới chính là thủ phạm. Ông cho biết một số thân chủ của ông không có mặt ở hiện trường của vụ giết người và họ đã bị bắt chỉ vì trùng tên hoặc vì là bà con của các nghi can. Ông nói:

"Theo tôi, tất cả những người này là người Hồi giáo và họ có tướng tá giống nhau. Thậm chí những người mục kích còn không phân biệt được người nào là người nào. Ai là Myo Win, ai là Myo Tun Nyunt, hay ai là Myo Nyunt. Họ không thể phân biệt 3 anh em bị cáo này một cách rõ ràng."

Các khu xóm xung quanh tòa án ở Meikhtila vẫn còn những dấu tích của vụ bạo loạn. Cư dân ở đây nói rằng trong số 40 người thiệt mạng có những trẻ em của một trường Hồi giáo ở kế bên.

Những vụ bạo loạn này diễn ra theo cùng một cách thức của vụ xung đột bùng ra hồi năm ngoái tại tiểu bang Arakan ở tây bắc Miến Điện. Những cộng đồng ở đây lúc trước có số người Hồi giáo và Phật giáo tương đương nhau, nhưng giờ đây nhiều người Hồi giáo đã bỏ đi nơi khác.

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch ở New York hồi gần đây đã phổ biến một bản phúc trình, trong đó họ cho rằng bạo động và tình trạng phạm tội mà không bị trừng trị của những kẻ tấn công theo đạo Phật có thể cấu thành tội thanh tẩy sắc tộc. Phó Giám đốc bộ phận Á châu của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, cho biết thêm như sau.

"Và điều này dường như là một xu thế chung ở Miến Điện ngày nay. Đó là bạo động xảy ra, cảnh sát chỉ đứng nhìn mà không hành động để ngăn chận. Cuối cùng, sau một thời gian quân đội đã can thiệp và sau đó không ai phải chịu trách nhiệm hết. Đó là vấn đề mà chúng tôi nhận thấy ở tiểu bang Arakan. Đó cũng là vấn đề mà chúng tôi nhận thấy ở miền trung Miến Điện, nơi bạo động xảy ra hồi tháng 3."

Trong khi đó, còn có những dấu hiệu đáng lo ngại về tình cảm bài xích Hồi giáo nói chung tại những khu vực ở Miến Điện chưa trải qua những vụ bạo động tôn giáo. Phong trào có tên 999 do các nhà sư Phật giáo khởi xướng nói rằng phong trào của họ có tính chất hòa bình, nhưng họ hô hào những người Phật giáo đừng mua hàng của những người theo đạo Hồi và đừng giao thiệp, tiếp xúc với những người này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG