Đường dẫn truy cập

Quan hệ quân sự Miến Điện-Bắc Triều Tiên gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế


Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã cam kết ngưng mua thiết bị quân sự từ Bình Nhưỡng và sẽ ký một nghị định thư bổ sung với IAEA để cho phép thực hiện những cuộc thanh sát quốc tế
Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã cam kết ngưng mua thiết bị quân sự từ Bình Nhưỡng và sẽ ký một nghị định thư bổ sung với IAEA để cho phép thực hiện những cuộc thanh sát quốc tế
Quan hệ quân sự giữa Miến Điện và Bắc Triều Tiên đang được nhiều người chú tâm theo dõi sau khi Nhật Bản thừa nhận đã chận bắt một chuyến hàng trong đó có những vật liệu mà giới hữu trách nói có thể dùng cho chương trình hạt nhân. Một viên cố vấn đặc biệt của chính phủ Mỹ nói rằng Miến Điện phải chứng tỏ cho thế giới thấy là họ đã cắt đứt quan hệ quân sự với Bình Nhưỡng nếu họ muốn các biện pháp chế tài được loại bỏ hoàn toàn.

Hôm thứ hai vừa qua, Nhật Bản xác nhận những tin tức cho rằng hồi năm ngoái hải quan của họ đã tịch thu một chuyến hàng nghi là phát xuất từ Bắc Triều Tiên, gồm những ống hợp kim alumi có thể được dùng trong máy ly tâm hạt nhân.

Truyền thông Nhật Bản nói rằng chuyến hàng định chở tới Miến Điện hồi tháng 8 trên một chiếc tàu mang cờ Singapore đã bị chận bắt sau khi có mật báo của Mỹ.

Vụ việc làm gia tăng mối quan tâm là tuy đã có những cải cách chính trị quan trọng nhưng Miến Điện có thể vẫn tiếp tục thực hiện một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật và có thể đã vi phạm những biện pháp chế tài của Liên hiệp quốc đối với Bình Nhưỡng.

Các nước Tây phương đã tạm thu hồi phần lớn các biện pháp chế tài ngoại giao và kinh tế đối với Miến Điện. Nhưng tuần trước, Cố vấn đặc biệt về Miến Điện của chính phủ Mỹ, ông Patrick Murphy, nói rằng các biện pháp chế tài sẽ không được thu hồi hoàn toàn nếu Miến Điện không thực hiện thêm những sự cải cách về chính trị và nhân quyền và không cắt đứt quan hệ quân sự với Bắc Triều Tiên. Ông nói:

"Chúng tôi rất mong là chúng tôi có thể tuyên bố hoặc chấp nhận tuyên bố là quan hệ quân sự giữa hai nước đã bị cắt đứt. Chúng tôi đã có một cuộc đối thoại có thành quả về vấn đề này với giới hữu trách Miến Điện. Tôi nghĩ rằng họ hiểu rõ mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Bắc Triều Tiên."

Chính quyền quân nhân Miến Điện đã mua vũ khí và các trang thiết bị quân sự của Bắc Triều Tiên trong nhiều năm. Quan hệ giữa hai nước đã bị đổ vỡ năm 1983, khi gián điệp Bắc Triều Tiên đánh bom phái đoàn tổng thống Nam Triều Tiên đi thăm Rangoon, giết chết 17 người. Nhưng chỉ vài năm sau đó hai quốc gia độc tài bị cô lập này đã bí mật nối lại các mối quan hệ.

Vào năm 2010, trong lúc Miến Điện bắt đầu cuộc chuyển đổi dân chủ, một giới chức đào tị tiết lộ quân đội nước này đang lén lút thực hiện một chương trình vũ khí hạt nhân. Các nhà phân tích cho rằng chương trình này có sự hỗ trợ của Bắc Triều Tiên.

Ông Robert Kelley, một cựu viên chức của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, đã nghiên cứu về những cáo giác đó. Ông nói rằng tuy có bằng chứng về một chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng ông không nhận thấy dấu hiệu nào về sự dính líu của Bắc Triều Tiên.

"Tôi không tìm ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Bắc Triều Tiên dính líu tới chương trình hạt nhân của Miến Điện. Và tôi không tin là quí vị có thể tìm ra người nào có bằng chứng đó. Nếu quí vị nhìn vào các tuyên bố của chính phủ Mỹ, trong lúc chúng ta chứng kiến sự xích lại gần hơn với Miến Điện, quí vị sẽ thấy họ không còn nói tới vấn đề hạt nhân, mà chỉ nói tới vấn đề phi đạn và các loại vũ khí qui ước."

Năm ngoái, Tổng thống Miến Điện Thein Sein cam kết ngưng mua thiết bị quân sự từ Bình Nhưỡng và sẽ ký một nghị định thư bổ sung với Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế để cho phép thực hiện những cuộc thanh sát quốc tế.

Quốc hội Miến Điện chưa phê chuẩn các văn kiện cho phép thanh sát. Giới hữu trách ở đây cũng tiếp tục nói rằng họ không hề theo đuổi chương trình hạt nhân.

Chuyên gia hạt nhân Kelley cho rằng tuy Miến Điện phải mất nhiều thập niên nữa mới có thể sản xuất vật liệu hạt nhân, nhưng họ nên có thái độ minh bạch về chương trình này và cho phép quốc tế đến thanh sát. Ông nói:

"Về mặt công khai, tôi chỉ thấy họ làm ngược lại. Họ nói rằng “chúng tôi không thể chấp nhận việc thanh sát vì không có gì để thanh sát.” Lập luận của họ là “chúng tôi không có vật liệu hạt nhân, không có cơ sở hạt nhân, như định nghĩa pháp lý về cơ sở hạt nhân; và vì chúng tôi không có những thứ đó, nên chúng tôi không có chỗ để đưa các ông tới xem, không có thứ gì để mang ra cho các ông xem.”

Chính phủ Miến Điện chưa bình luận gì về cáo giác của truyền thông Nhật Bản liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân và sự dính líu của Bắc Triều Tiên.

VOA Express

XS
SM
MD
LG