Đường dẫn truy cập

Miến Điện: Xung đột tôn giáo gây phương hại nỗ lực cải cách


Cảnh sát Miến Điện cưỡi xe máy qua các căn nhà và xe cộ bị phá hủy trong các vụ bạo động sắc tộc giữa Phật giáo và Hồi giáo tại Meikhtila, ngày 25/3/2013.
Cảnh sát Miến Điện cưỡi xe máy qua các căn nhà và xe cộ bị phá hủy trong các vụ bạo động sắc tộc giữa Phật giáo và Hồi giáo tại Meikhtila, ngày 25/3/2013.
Chính phủ Miến Điện nói rằng căng thẳng giữa những người Hồi giáo và Phật giáo đang đe dọa tới các cải cách dân chủ. Những vụ đụng độ giữa hai nhóm tôn giáo này ở miền trung Miến Điện hồi tuần trước đã gây tử vong cho ít nhất 40 người trong lúc có mấy mươi căn nhà và đền thờ bị thiêu rụi. Các nhà phân tích cho rằng sự dung chấp dành cho những nhóm Phật giáo cực đoan và những lời lẽ bài xích Hồi giáo làm cho xung đột gia tăng cường độ. Từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok, thông tín viên Daniel Schearf gởi về bài tường thuật sau đây.

Lời thừa nhận của chính phủ Miến Điện, được phát đi trên đài truyền hình quốc gia hồi tối thứ hai, sau một tuần xảy ra những vụ đụng độ giữa những người Hồi giáo và Phật giáo ở miền trung, làm gia tăng mối lo ngại là vụ xung đột tôn giáo sẽ lan rộng.

Tổng thống Thein Sein hôm thứ sáu vừa qua đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở thị trấn Meikhtila cùng với các thị trấn lân cận ở mạn nam thành phố Mandalay, và yêu cầu quân đội tiếp tay để chấm dứt bạo động.

Bản đồ Meikhtila, Miến Ðiện.
Bản đồ Meikhtila, Miến Ðiện.
Quân đội đã vãn hồi trật tự ở Meikhtila, nhưng những đám đông gây rối của những người theo đạo Phật sau đó đã đốt phá nhà cửa và đền thờ Hồi giáo ở những thị trấn xa hơn về phía nam.

Mối lo ngại về việc bạo loạn có thể lan tới Rangoon, thủ đô cũ của Miến Điện, đã làm cho một số cửa tiệm ở đây đóng cửa sớm.

Ông Ko Ko Hlaing là cố vấn chính trị của tổng thống Miến Điện. Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA trong lúc ở Seoul, ông Hlaing thừa nhận những vấn đề liên quan tới những phần tử Phật giáo cực đoan ở Miến Điện.

Ông Hlaing nói: "Vâng, có một số những thành phần rất cực đoan trong các cộng đồng Phật giáo. Nhưng hiện nay, nhiều nhân vật Phật giáo nổi tiếng, những nhà sư trong hàng ngũ giáo phẩm cấp cao, đang đi tới những địa điểm xảy ra xung đột, và cùng với những nhà lãnh đạo tôn giáo của các cộng đồng Hồi giáo, họ đang tìm cách giải quyết vụ tranh chấp này một cách êm thắm."

Vụ đổ máu đã bắt đầu hồi tuần trước, khi một vụ cãi cọ ở Meikhtila giữa một chủ tiệm vàng theo đạo Hồi với một người khách hàng theo đạo Phật leo thang thành những vụ chém giết trên đường phố và những vụ cướp phá.

Tổng thống Thein Sein đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở thị trấn Meikhtila cùng với các thị trấn lân cận.
Tổng thống Thein Sein đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở thị trấn Meikhtila cùng với các thị trấn lân cận.
Thoạt đầu, giới hữu trách đã tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của sự chia rẽ tôn giáo và mô tả những vụ việc này là gây rối và cướp phá. Nhưng sau khi một nhà sư bị giết chết, những đám đông người Phật giáo trang bị dao rựa và gậy gộc đã xông vào các khu xóm của người Hồi giáo, nổi lửa đốt cháy nhà cửa và đền thờ.

Một số nhà báo quay phim và chụp hình những vụ bạo động đã bị những nhà sư cầm dao đe dọa.

Ông Matthew Walton, giáo sư chính trị học của Đại học George Washington, cho biết trong khối người Phật giáo chiếm đa số ở Miến Điện không mấy ai lên tiếng phản đối những quan điểm cực đoan của một số các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Ông Walton nói: "Đặc biệt là khi những nhà sư ra mặt và nắm giữ vai trò lãnh đạo, người dân rất khó lòng chống lại hoặc chỉ trích lập luận cho rằng chúng ta phải bảo vệ Phật giáo và để đạt mục tiêu chúng ta phải thực hiện một số vụ bạo động hoặc có hành vi kỳ thị chống lại một cộng đồng nào đó."

Giáo sư Walton cho biết những người theo đạo Hồi thường bị mang ra làm vật tế thần ở Miến Điện mỗi khi cảm giác bất an trong dân chúng gia tăng. Ông nói rằng trong lúc Miến Điện đang trải qua những thay đổi kịch liệt, nhiều người ở đây cảm thấy bất an về tương lai và họ muốn tìm người để đổ lỗi.

Vụ bạo loạn chống người Hồi giáo ở miền trung đã xảy ra tiếp theo sau vụ bạo động tại tiểu bang Rakhine ở miền tây hồi năm ngoái.

Những vụ đụng độ giữa người Hồi giáo và người Phật giáo ở Rakhine đã gây tử vong cho gần 200 người và làm cho khoảng 120.000 người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong đó hầu hết là những người vô quốc tịch thuộc sắc dân Rohingya theo đạo Hồi.

Người Hồi giáo mang đồ đạc đến một sân vận động để lánh nạn, ngày 22/3/2013.
Người Hồi giáo mang đồ đạc đến một sân vận động để lánh nạn, ngày 22/3/2013.
​Sau vụ bạo động năm ngoái, những thành phần cực đoan của cả hai bên đã tiến hành những hoạt động tuyên truyền và gây thêm chia rẽ, phần lớn là thông qua những chiến dịch trên mạng internet.

Ông Min Zaw Oo, một viên chức của Trung tâm Hòa bình Miến Điện, cho biết rằng giới hữu trách đang chật vật đối phó với những lời lẽ khích động thù hận vì không có luật lệ cụ thể để ngăn chận những lời lẽ như vậy.

Ông Min Zaw Oo nói: "Đối với chính phủ, điều này đã trở thành một sự chọn lựa khó khăn. Nếu trấn áp những nhóm cực đoan, họ sẽ bị tố cáo đàn áp quyền tự do diễn đạt. Nhưng đồng thời, nếu để những nhóm đó tiếp tục làm như vậy, thì sự thù nghịch tôn giáo và sắc tộc sẽ bị khích động thêm."

Tuy có những mối căng thẳng như vậy, đã có một số dấu hiệu chứng tỏ thiện chí giữa các cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo. Một số nhà sư cấp cao đã lên tiếng hô hào cho tinh thần khoan dung tôn giáo và họ đã tích cực giúp đỡ cho những những người Hồi giáo bị mất nhà cửa trong vụ bạo động hồi gần đây.

Giới hữu trách Miến Điện cũng cam kết thực hiện các cuộc thảo luận để tìm cách xây dựng lại lòng tin giữa các cộng đồng tôn giáo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG